Không thiếu tiền nghiên cứu, chỉ sợ thiếu cơ chế
Vấn đề này đã được ông Lê Đăng Dũng – quyền Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Viettel – phần nào đề cập đến. Cụ thể, mỗi năm Viettel có khoảng 4.000 tỉ đồng để nghiên cứu khoa học, nhưng chỉ tiêu được khoảng 700 tỉ đồng, chiếm chưa tới 20%. Cũng theo người đứng đầu Viettel, nếu doanh nghiệp này tiêu được nhiều hơn cho nghiên cứu khoa học thì các kết quả nghiên cứu cũng sẽ nhiều hơn.
Đối với công tác nghiên cứu khoa học tại Việt Nam, nhiều năm qua chỉ thường được nghe nói tới nguồn kinh phí eo hẹp. Có năm, chi phí cho khoa học công nghệ của Việt Nam tính trên đầu người chỉ bằng một lon bia, tức khoảng 20.000 đồng.
Tuy nhiên, với trường hợp của một doanh nghiệp có doanh thu năm trong tốp đầu Việt Nam như Viettel, thêm một “cái khó” nữa là cơ chế chi tiêu cho nghiên cứu khoa học.
Nhiều số liệu thống kê trên thế giới chỉ ra rằng, các tập đoàn công nghệ hàng đầu, và cũng chính là những doanh nghiệp dẫn dắt xu hướng công nghệ trên toàn cầu, thường chi từ 8-10% doanh thu cho nghiên cứu và phát triển (R&D). Thậm chí có một số doanh nghiệp, vào một số năm, khoản đầu tư này có thể lên đến từ 12-15% doanh thu.
Đại đa số, các doanh nghiệp lớn đầu tư mạnh cho R&D thường mang đến nhiều sáng chế, sáng tạo công nghệ mới để ứng dụng vào sản phẩm, thiết bị, từ đó thúc đẩy thương mại hóa và cầm chịch thị trường.
Không thiếu chất xám, chỉ sợ thiếu hành lang pháp lý
Trong năm 2021, Việt Nam nổi lên như một trong số ít quốc gia tiên phong và mở lối cho ngành game NFT, đại diện tiêu biểu chính là game Axie Infinity của Sky Mavis. Hiện Axie Infinity là game NFT số 1 thế giới về lượng người chơi, doanh thu qua game cũng như giá trị vốn hóa.
Ông Nguyễn Thành Trung – CEO của doanh nghiệp đang trong giai đoạn khởi nghiệp Sky Mavis – cho rằng, công nghệ blockchain và tài sản số NFT mở ra một hướng đi mới đầy tiềm năng và hứa hẹn thành công cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Thực tế chứng minh, trong khoảng 3 năm trở lại đây, thị trường công nghệ blockchain được manh nha và phát triển khá sôi động tại Việt Nam. Còn trong khoảng một năm trở lại đây, thị trường game NFT của doanh nghiệp Việt Nam dường như đang dần trở thành trung tâm của khu vực Đông Nam Á, thu hút nhiều quỹ đầu tư quốc tế tham gia.
Tuy nhiên, cũng theo ông Trung, hiện nhiều quốc gia cũng chưa kiện toàn hành lang pháp lý cho những công nghệ mới này, đơn cử như việc chuyển dịch từ tài sản hiện hữu sang tài sản số, hay vấn đề tài sản ảo.
Việt Nam nếu sớm có khung chính sách ổn định cho các công nghệ mới này sẽ kích thích được làn sóng nghiên cứu và đầu tư vào lĩnh vực mới này mạnh mẽ hơn, tạo bệ phóng cho bước phát triển vững chắc trong những năm tới.
Ghi nhận từ thực tế, một số lĩnh vực công nghệ mới như AI (trí tuệ nhân tạo), blockchain, NFT, ôtô điện… Việt Nam đang cho thấy có nhiều tiềm năng và thậm chí vượt trội trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên để được nâng tầm phát triển, doanh nghiệp Việt cần được hỗ trợ từ cơ chế chính sách.