Doanh nghiệp của ‘chiến thần livestream’ tăng vốn gấp 10 lần sau 4 năm

Thời gian qua nhiều phiên livestream doanh số khủng xuất hiện trên các nền tảng. Cũng nhờ vậy, các KOL (người có sức ảnh hưởng) đã hưởng thu nhập không nhỏ đến từ việc bắt tay các nhãn hàng.

Công ty của “chiến thần” Hà Linh tăng vốn ngoạn mục

Trong số các KOL đình đám hiện nay có Võ Hà Linh – một phụ nữ được cộng đồng mạng đặt biệt danh “chiến thần”.

Bảng xếp hạng về livestream ngày 10-10 do Stickler và Veena Media công bố cho thấy, Ha Linh Official của Võ Hà Linh dẫn đầu về lượng tiếp cận với tổng cộng 3,7 triệu lượt xem.

Công việc quảng cáo trên đà tăng trưởng, doanh nghiệp của Hà Linh cũng có sự chuyển biến về vốn ngoạn mục.

Dữ liệu từ hệ thống quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho biết, Võ Hà Linh thành lập công ty riêng với tên gọi Công ty CP Thương mại và dịch vụ Hà Linh Official từ tháng 5-2021.

Hà Linh Official đăng ký trụ sở chính tại một chung cư ở TP Vinh, Nghệ An. Ngành nghề kinh doanh chính của công ty này là quảng cáo…

Võ Hà Linh tên đầy đủ Võ Thị Hà Linh (sinh năm 1992), giữ chức chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc.

Theo danh sách cổ đông sáng lập, Hà Linh Official có vốn điều lệ chỉ 2 tỉ đồng, trong đó Võ Thị Hà Linh góp 90%, tương đương 1,8 tỉ đồng.

Hai cổ đông còn lại là bà Nguyễn Thị Nga và bà Võ Thị Hoài Thương lần lượt góp 5%, tương đương 100 triệu đồng.

Cập nhật tính đến tháng 11 năm nay, công ty của Võ Hà Linh đã thông báo tăng vốn điều lệ lên 19,5 tỉ đồng. Danh sách cơ cấu cổ đông góp vốn chưa được tiết lộ.

Đi cùng với sự nổi tiếng khi thu hút hàng triệu người theo dõi trên các nền tảng, nhưng Hà Linh cũng là một trong những KOL có nhiều ồn ào.

Năm ngoái, “chiến thần” livestream Võ Hà Linh từng tạo “cơn chấn động” khi thu hút 300.000 người xem chỉ sau 10 phút livestream giới thiệu sản phẩm của nhãn hàng dầu gội.

Tuy vậy, chiến dịch quảng cáo này cũng nhanh chóng nhận nhiều tranh cãi. Các đại lý, nhà thuốc phản ứng kịch liệt vì cho rằng hãng mỹ phẩm này bán phá giá, gây khó cho các kênh bán truyền thống.

Cùng trong năm ngoái, sau tin đồn bị “cấm cửa” tại một số nhà hàng, Hà Linh đã đăng một video có tiêu đề: “Xin lỗi mọi người và thông báo dừng hẳn việc review quán ăn” lên trang cá nhân.

Một doanh nghiệp quy tụ nhiều diễn giả “hot” trên mạng xã hội

Thực tế có nhiều công ty, doanh nghiệp có lãnh đạo là những người nổi tiếng mạng xã hội. Đơn cử như Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Văn Lang (VLA), doanh nghiệp này có chủ tịch là diễn giả Nguyễn Thành Tiến với hàng triệu người theo dõi trên mạng xã hội.

Ngoài ra, cổ đông lớn của VLA là ông Đặng Trọng Khang, cũng là chuyên gia chứng khoán “nổi” trên mạng xã hội.

Theo danh sách cổ đông được VLA gửi tới Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) mới đây, ông Khang nắm giữ gần 25% cổ phần tại doanh nghiệp này.

Còn ông Nguyễn Thành Tiến nắm gần 11,5% vốn. Hai cổ đông lớn còn lại là bà Nguyễn Thu Hà, ông Nguyễn Hữu Thuận lần lượt nắm 9,39% và 10%.

Đáng chú ý theo báo cáo tài chính quý 3-2024, VLA đã chấm dứt chuỗi 3 quý liên tiếp thua lỗ khi báo lãi 502 triệu đồng. Dù vậy tính chung 9 tháng đầu năm nay, VLA vẫn lỗ gần 6,4 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 250 triệu đồng.

Theo báo cáo thường niên, ngành nghề chính của VLA là đào tạo kỹ năng tư duy, bán hàng, giao tiếp, lãnh đạo, quản lý tài chính, quản lý thời gian, đào tạo kỹ năng nói trước công chúng. Tại thời điểm cuối tháng 9 năm nay, công ty này có 14 nhân viên.

Việc sụt giảm học viên khiến doanh thu VLA sụt giảm bắt đầu từ năm ngoái. Đại diện VLA cho biết năm 2023, số lượng lớp học cũng như số lượng học viên tham gia khóa học giảm so với năm 2022.

Nhìn lại dữ liệu 10 năm trở lại đây, 2022 là năm có doanh thu “phấn khởi” nhất với VLA khi đạt hơn 32 tỉ đồng, còn 2021 là năm có lợi nhuận sau thuế cao nhất với hơn 5,6 tỉ đồng. Đây cũng là giai đoạn thị trường bất động sản, chứng khoán cùng nhiều kênh đầu tư khác bùng nổ sau dịch.

BÌNH KHÁNH

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *