Nhiều đơn hàng, nhiều doanh nghiệp dệt may tăng tuyển lao động
“Chúng tôi đang có nhiều đơn hàng và đã chuẩn bị sẵn sàng về nguồn lực, tăng tỉ lệ tự động hóa giúp giảm chi phí lao động để tăng sản xuất cho đơn hàng mới,” đại diện Công ty cổ phần đầu tư và thương mại TNG nói với Tuổi Trẻ Online.
Hằng năm, TNG cung ứng khoảng 55 triệu sản phẩm may mặc như quần áo, đồ thể thao,… cho các hãng như Asmara, Decathlon, H&M và Walmart.
Mỹ hiện là thị trường chiếm tỉ trọng lớn nhất trong cơ cấu doanh thu mảng may mặc của Công ty TNG. Thị trường này đóng góp khoảng 47%, sau đó là Pháp với 15%.
Với lượng đơn hàng đủ sản xuất đến cuối năm và vừa đưa vào hoạt động thêm 45 chuyền may, công ty có trụ sở chính tại Thái Nguyên, với khoảng 19.000 lao động này đang tuyển thêm khoảng 3.000 lao động, sẵn sàng nhận thêm đơn hàng trong thời gian tới.
Đại diện TNG cho biết một số đối tác đang có lượng lớn sản phẩm sản xuất tại Bangladesh đang cân nhắc chuyển sang Việt Nam, nếu tình hình chính trị nước này tiếp tục phức tạp. TNG sẽ tận dụng cơ hội này để có thêm đơn hàng và kỳ vọng đạt mục tiêu doanh thu 7.900 tỉ đồng năm nay.
Tại TP.HCM, ông Phạm Quang Anh – CEO Công ty TNHH sản xuất may mặc Dony – cho biết công ty đang tuyển thêm lao động, tăng khoảng 20% so với lực lượng hiện có, đảm bảo kịp tiến độ sản xuất vì đã đủ đơn hàng sản xuất đến tháng 3-2025.
Mỹ hiện là thị trường quan trọng, chiếm gần một nửa lượng hàng xuất khẩu hằng năm của Dony. Doanh nghiệp này dự tính sẽ được nhiều đối tác từ Mỹ giao thêm đơn hàng trong tương lai, trước tình hình cạnh tranh thương mại như hiện nay.
“Hai tuần trước tôi tiếp một đối tác lâu năm từ Mỹ. Họ đang đẩy nhanh xu thế chuyển dịch đơn hàng ra khỏi Trung Quốc và đặt chúng tôi 6 mã hàng, thay vì chỉ 1 mã như trước đây. Chúng tôi đang nâng dần năng lực để sẵn sàng nhận đơn hàng lớn từ họ, chuẩn bị cho mùa World Cup 2026”, ông Quang Anh chia sẻ.
Theo báo cáo kết quả khảo sát tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp quý 3-2024 của Tổng cục Thống kê, thiếu lao động có tay nghề và đơn hàng là hai khó khăn nhất với doanh nghiệp ngành dệt may và da giày.
Theo đó, có gần 53% doanh nghiệp sản xuất trang phục và gần 25% doanh nghiệp dệt trong khảo sát cho biết đang gặp khó khăn do không tuyển dụng được lao động theo yêu cầu.
Ông Vũ Đức Giang, chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), cho biết nhiều doanh nghiệp trong ngành đang có đủ đơn hàng sản xuất đến cuối năm và đang đàm phán cho quý 1-2025. Quá trình tuyển dụng lao động vẫn diễn ra, đặc biệt ở một số bộ phận chủ chốt. “Từ đầu năm sau các doanh nghiệp sẽ tuyển lao động nhiều hơn nữa vì tình hình thị trường khá khả quan”, ông Giang chia sẻ.
Áp lực tăng năng suất
Một quốc gia hàng đầu trong ngành dệt may là Bangladesh đang bị ảnh hưởng vì khủng hoảng về khí gas và bất ổn chính trị. Nói với Tuổi Trẻ Online, bà Nguyễn Phương Chi, giám đốc chiến lược Sợi Thế Kỷ, đánh giá sự bất ổn ở Bangladesh có thể làm chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu tiếp tục dịch chuyển. Các quốc gia như Việt Nam, Ấn Độ sẽ đón nhận thêm đơn hàng nhờ lợi thế về thuế quan và sự ổn định trong chuỗi cung ứng.
Đồng thời, xu hướng các nhãn hàng chuyển dịch đơn hàng ra khỏi Trung Quốc được dự đoán tăng mạnh trong thời gian tới, nhằm tránh rủi ro chịu thuế suất cao khi nhập khẩu vào Mỹ.
Nhưng đơn hàng dệt may sẽ không chỉ chảy về Việt Nam, mà còn được chia cho doanh nghiệp ở các nước như Ấn Độ và Indonesia.
Đồng thời thách thức trước mắt là tuyển dụng đủ lao động sản xuất. Nhiều lao động đã dịch chuyển sang ngành khác hoặc trở về quê trong thời gian kinh tế khó khăn, nên việc tuyển dụng hiện nay không dễ dàng.
Bà Chi cũng cho rằng các doanh nghiệp cần chuẩn bị các kịch bản nếu khả năng Việt Nam bị đưa vào danh sách giám sát về thao túng tiền tệ nếu ông Trump trở lại Nhà Trắng và áp đặt thuế quan theo điều khoản 301.
“Điều này có thể ảnh hưởng tỉ giá, yếu tố rất quan trọng với doanh nghiệp xuất khẩu. Doanh nghiệp ở Việt Nam sẽ phải rất linh hoạt trong thời gian tới”, bà Chi nói.