Doanh nghiệp khó, tín dụng dè chừng, vẫn lo cầu yếu khi GDP quý 2 tăng mạnh

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trần Quốc Hùng, cựu giám đốc điều hành Viện Tài chính quốc tế (IIF), cựu thành viên của IMF – cho rằng kinh tế Việt Nam đã có sự hồi phục 6 tháng đầu năm nay, nhưng vẫn còn vài điểm cần lưu ý.

Tốc độ tăng GDP cao nhưng…

Cụ thể, theo ông Hùng, GDP đã tăng tốc trong quý 2 lên 6,93%, giúp GDP trong 6 tháng đầu năm tăng 6,42%.

Như vậy, có thể thấy kinh tế Việt Nam tiếp đà hồi phục trong bối cảnh kinh tế và thương mại toàn cầu đang dần cải thiện.

Tuy nhiên, ông Hừng lưu ý sự phục hồi thương mại thế giới dù có nhưng chưa ổn định và còn nhiều rủi ro do tình hình địa chính trị căng thẳng, chiến tranh ở Ukraine và Gaza vẫn tiếp diễn và mâu thuẫn thương mại giữa các nước lớn tăng cao.

Ngoài ra, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tuy khởi sắc nhưng vẫn còn dựa nhiều vào ngoại thương và đầu tư nước ngoài FDI, theo ông Hùng.

Trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng lên 190,08 tỉ USD, nhập khẩu lên 178,45 tỉ USD, xuất siêu 11,63 tỉ USD. Mức tăng cho thấy sản xuất được thúc đẩy.

Tuy nhiên ông Hùng băn khoăn khi khu vực FDI chiếm tỉ trọng 71,9% trong kim ngạch xuất khẩu và tạo ra xuất siêu. Trong khi khu vực kinh tế trong nước tiếp tục nhập siêu.

Nhìn vào số liệu được công bố, vị chuyên gia cũng nhận thấy động lực kinh tế của FDI tiếp tục trong 6 tháng đầu năm. Vốn FDI đăng ký tăng 13% lên 15,19 tỉ USD, vốn FDI giải ngân tăng 8,2% lên 10,84 tỉ USD.

“Đây là dấu hiệu tích cực, nhưng đòi hỏi Việt Nam phải nỗ lực hơn để cân bằng nền kinh tế”, ông Hùng khuyến nghị.

Một số điểm đáng lưu ý khác cũng được vị chuyên gia lưu ý như tổng cầu tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình và Chính phủ phục hồi chậm, tăng 5,78%.

Đặc biệt là tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công quá thấp – chỉ đạt 28% so với kế hoạch năm, làm giảm hiệu lực kích cầu của chính sách tài chính.

Nhìn chung, vị chuyên gia cho rằng doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn, sức cầu của khách hàng yếu, thiếu đơn hàng và lao động có khả năng thích hợp.

Số doanh nghiệp rút ra khỏi thị trưởng cao xấp xỉ với số doanh nghiệp gia nhập thị trường.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy 6 tháng đầu năm nay, 119.600 doanh nghiệp thành lập mới, quay lại thị trường, trung bình 19.900 đơn vị mỗi tháng. Trong khi đó, khoảng 110.300 doanh nghiệp rút lui, tức bình quân 18.400.

Thêm vào đó, tỉ lệ nợ/vốn tự có của doanh nghiệp Việt Nam thuộc hạng cao trên thế giới. Điều này làm cho doanh nghiệp và ngân hàng dè dặt trong việc vay và cho vay tín dụng, ông Hùng nhận định.

Trong bối cảnh đó, tính đến hết tháng 6, tín dụng chỉ tăng 4,45% so với mục tiêu 15-16% cả năm – mặc dù lãi suất đã được hạ thấp đáng kể.

Nên cắt giảm thuế 

Mức tăng trưởng GDP trong 6 tháng đầu năm đã tạo cơ sở cho kinh tế Việt Nam tăng trưởng đạt mục tiêu 6-6,5% cho năm 2024. Tuy nhiên, ông Hùng đưa ra một số khuyến nghị chính sách nên được xem xét để thúc đẩy tốt hơn tăng trưởng.

Trước tiên, cần có biện pháp mạnh mẽ để thúc đẩy tăng nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công – để kích cầu và xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất.

Tiếp đến, cần cắt giảm các thuế trực thu và gián thu cũng như phí công cộng để tăng sức mua của hộ gia đình, tăng tổng cầu tiêu dùng trong nước.

Với tỉ lệ bội chi ngân sách 2024 dự trù là 3,4% GDP và số dư nợ công khoảng 40% GDP, Việt Nam có dư địa để thực hiện các biện pháp kích cầu đối với hộ gia đình.

Sau cùng, cần thận trọng trong việc giảm lãi suất, theo ông Hùng.

Trong tình hình hiện nay, mức cầu tín dụng của doanh nghiệp không tăng nhiều nhưng mức huy động tín dụng tăng chậm lại (chỉ có 1,5% từ cuối năm 2023) và gây sức ép giảm giá cho đồng tiền Việt Nam, góp phần gây lạm phát (mức 4,34% đã sát trần của mục tiêu 4-4,5% Quốc hội đặt ra).

BÌNH KHÁNH

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *