Khẳng định vai trò tiên phong, dẫn dắt của doanh nghiệp nhà nước
Mặc dù còn đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức nhưng kinh tế Việt Nam đang phục hồi tích cực và trở lại quỹ đạo tăng trưởng cao.
Đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế, bên cạnh những đóng góp ngày càng tích hơn của các động lực tăng trưởng mới.
Trong bối cảnh đó, hệ thống doanh nghiệp nhà nước tiếp tục thực hiện vai trò chủ đạo trong nền kinh tế. Vai trò này thể hiện qua những đóng góp tích cực cho công tác phòng chống dịch bệnh, tham gia chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, làm nền tảng để tạo môi trường hoạt động cho mọi thành phần kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.
Đến nay, công tác tái cơ cấu, đổi mới hoạt động của doanh nghiệp nhà nước đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Từ chỗ hoạt động dàn trải, các doanh nghiệp nhà nước tập trung giữ vững những lĩnh vực then chốt, thiết yếu; những địa bàn quan trọng về quốc phòng, an ninh; những lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình đổi mới doanh nghiệp nhà nước thời gian qua cũng còn tồn tại một số hạn chế.
Đó là tiến độ triển khai Đề án cơ cấu lại một số doanh nghiệp vẫn chậm do những điểm nghẽn về cơ chế, chính sách chưa được tháo gỡ kịp thời; một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hiệu quả thấp, thua lỗ, chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ, còn có những dự án chưa hiệu quả, ảnh hướng đến kết quả sản xuất, kinh doanh; công tác đổi mới quản trị của một số doanh nghiệp chưa theo kịp với yêu cầu biến động của thị trường…
Thực tiễn 40 năm đổi mới cho thấy, kinh tế nhà nước luôn khẳng định được vai trò chủ đạo, là nền tảng cơ bản để phát triển các ngành, lĩnh vực, thành phần kinh tế và loại hình doanh nghiệp trong nền kinh tế quốc dân.
Doanh nghiệp nhà nước với tư cách là bộ phận nòng cốt của kinh tế nhà nước, luôn giữ vị trí trọng yếu trong nền kinh tế.
Trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, yêu cầu cấp thiết đặt ra cho doanh nghiệp nhà nước là thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ sắp xếp và đổi mới hoạt động gắn với mục tiêu nâng tầm quy mô, hiệu quả để trở thành các thực thể kinh tế mạnh, bảo đảm thực hiện trách nhiệm dẫn dắt thị trưởng, điều tiết kinh tế vĩ mô và đủ khả năng cạnh tranh trong khu vực.
Đây cũng là thời điểm quan trọng để Việt Nam củng cố, xây dựng một số tập đoàn, tổng công ty dẫn đầu trong các lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế như dầu khí, viễn thông, hàng không, kết cấu hạ tầng…
Muốn vậy, cần nghiên cứu cơ chế giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp lớn thực hiện các dự án đầu tư quy mô lớn, có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội đất nước.
Giao doanh nghiệp nhà nước tham gia những dự án lớn
Tại hội thảo khoa học “Nâng cao vai trò của thành phần kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam – Thực tiễn Tổng công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines)”, các đại biểu thống nhất rằng, đối với lĩnh vực hàng không, Việt Nam rất cần đầu tư có trọng điểm để xây dựng được một doanh nghiệp hàng không đủ mạnh với quy mô mạng bay, đội máy bay có năng lực cạnh tranh quốc tế.
Đây là một trọng những yếu tố quan trọng góp phần đưa Việt Nam trở thành một trung tâm mới về kinh tế, du lịch tầm cỡ của châu Á và trên thế giới. Vietnam Airlines chính là doanh nghiệp phù hợp để triển khai chiến lược quan trọng này.
“Trong số các doanh nghiệp nhà nước hiện nay, Vietnam Airlines là một trong số ít doanh nghiệp có cơ hội lớn để vươn lên trở thành một tập đoàn kinh tế mạnh ngang tầm khu vực nhờ năng lực quản trị tốt, bề dày kinh nghiệm cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.
Vì vậy Nhà nước cần có sự đầu tư tương xứng cả về nguồn lực tài chính và cơ chế, chính sách để Vietnam Airlines có thêm lực đẩy phát triển”- PGS.TS Nguyễn Văn Thạo – nguyên phó chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương nêu quan điểm.
Thực tế, vượt qua tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, Vietnam Airlines đã phục hồi và bảo đảm năng lực cạnh tranh quốc tế.
Ông Lê Hồng Hà – tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết, đến hết quý 3 năm 2024, hãng đã mở thêm 7 đường bay quốc tế, nâng quy mô mạng bay lên 90 điểm đến trên thế giới, kết nối với hơn 20 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Cùng với đó, hãng thực hiện rất nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, giới thiệu về hình ảnh đất nước con người Việt Nam với bạn bè thế giới.
Trong 9 tháng đầu năm 2024, Vietnam Airlines đã thực hiện hơn 106.000 chuyến bay an toàn, đạt mức 4/5 trong thang đánh giá cấp bậc an toàn của hàng không thế giới; các chuyến bay đúng giờ duy trì ở mức gần 85%, thuộc top đầu khu vực châu Á về chỉ số bay đúng giờ.
Bên cạnh đó, hãng cũng tập trung thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển bền vững và đạt nhiều giải thưởng quốc tế uy tín về chất lượng dịch vụ.
“Ảnh hưởng của dịch COVID-19 vô cùng nặng nề nhưng cũng là cơ hội để Vietnam Airlines tái cơ cấu hoạt động, tìm ra những các giải pháp tự thân linh hoạt để vượt qua khó khăn, bên cạnh sự hỗ trợ quan trọng của Nhà nước” – ông Lê Hồng Hà chia sẻ.
Tuy nhiên, để xây dựng Vietnam Airlines thành thương hiệu mạnh trên thế giới với năng lực cạnh tranh cao không chỉ đòi hỏi sự nỗ lực doanh nghiệp mà còn cần có sự hỗ trợ của Nhà nước cũng như sự nỗ lực của cả quốc gia. Bởi vì, hiện Vietnam Airlines vẫn trạng âm vốn chủ sở hữu do ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19.
Giải pháp quan trọng nhất đối với Vietnam Airlines là tháo gỡ điểm nghẽn cơ chế để hãng phục hồi và phát triển bền vững, trong đó có việc thông qua Đề án tổng thể các giải pháp tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần có cơ chế giao Vietnam Airlines cùng các doanh nghiệp lớn khác tham gia thực hiện dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành nhằm phát huy hiệu quả dự án, phát triển hạ tầng hàng không đồng bộ, hiện đại, thúc đẩy giao thương và thu hút đầu tư nước ngoài.
Nhà nước thông qua hoạt động đầu tư vào các công trình trọng điểm quốc gia, sử dụng công cụ doanh nghiệp nhà nước, trong đó có Vietnam Airlines, sẽ tạo ra năng lực sản xuất mới cho nền kinh tế, kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho ngành hàng không.