Mới đây, tại hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình năm 2023 do UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức với sự tham dự của 100 doanh nghiệp đang hoạt động tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, đại diện các doanh nghiệp đã nêu các vấn đề khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, đề xuất, kiến nghị với lãnh đạo tỉnh Ninh Bình và các ngành chức năng tiếp tục quan tâm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
Các nội dụng kiến nghị của doanh nghiệp tập trung vào 3 nhóm vấn đề chính đó là: Điều kiện đảm bảo sản xuất cho doanh nghiệp (về an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, phòng chống dịch bệnh, đảm bảo nguồn lao động); Tài chính doanh nghiệp, chính sách thuế; Thủ tục đầu tư, đăng ký đầu tư, thu hút đầu tư, đảm bảo cung cấp điện, nước phục vụ sản xuất và phát triển thị trường cho doanh nghiệp.
Ông Trần Thành Tuân – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Vissai Ninh Bình – nêu kiến nghị, hiện nay, tập đoàn có 8 dây chuyền sản xuất ximăng trên cả nước, nhưng đã có 4 dây chuyền phải dừng sản xuất vì lý do giá than cám, xăng dầu, thạch cao tăng quá cao.
Bên cạnh đó, thời gian nhập khẩu các loại nguyên nhiên liệu kéo dài hơn so với trước đây. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến vòng quay vốn của doanh nghiệp, do vậy đã đẩy toàn bộ chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng lên rất nhiều.
Theo ông Tuân, từ ngày 1.1.2023, Chính phủ đánh thuế xuất khẩu đối với clinke dẫn đến việc xuất khẩu của doanh nghiệp bị hạn chế. Để đảm bảo khả năng phục hồi và phát triển của doanh nghiệp, đề nghị tỉnh Ninh Bình trình Thủ tướng Chính phủ lùi thời hạn tăng thuế xuất khẩu clinke từ ngày 1.1.2023 theo Nghị định số 101/2021/NĐ-CP đến ngày 1.1.2024.
Tại Công ty CP Sản xuất ôtô Hyundai Thành Công, thời gian qua, lượng xe khách do Tập đoàn Thành Công sản xuất tồn kho nhiều. Vì vậy, đại diện công ty này đề nghị lãnh đạo tỉnh Ninh Bình chỉ đạo các cấp, các ngành trong trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có giải pháp hỗ trợ tập đoàn kết nối với các đơn vị kinh doanh các tuyến xe bus, xe đưa đón công nhân trên địa bàn tỉnh để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm.
Đồng thời, đại diện Công ty CP Sản xuất ôtô Hyundai Thành Công cũng đề nghị tỉnh Ninh Bình khẩn trương đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng Khu 35ha mở rộng KCN Gián Khẩu để tạo quỹ đất thu hút các dự án công nghiệp hỗ trợ cho ngành sản xuất, lắp ráp ôtô, góp phần từng bước nâng cao tỉ lệ nội địa hóa, hướng tới mục tiêu tăng tỉ lệ nội địa hóa từ 30% lên 40%. Từ đó, giúp giảm giá thành của xe do Tập đoàn Thành Công sản xuất, lắp ráp trong nước, tăng khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia… tăng năng lực xuất khẩu ôtô của tập đoàn sang thị trường Đông Nam Á và thế giới.
Ông Phạm Quang Ngọc – Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình – cho biết, mặc dù trong 3 tháng đầu năm 2023, tình hình sản xuất của tỉnh Ninh Bình về cơ bản tăng trưởng theo kịch bản đã đề ra, tăng 8,45% so với cùng kỳ năm trước, xếp thứ 6 cả nước và thứ 2 Đồng bằng sông Hồng. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn. Quý I/2023 là quý đầu tiên trong 3 năm có sự tăng trưởng âm và giảm so với cùng kỳ.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành, các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, tuỳ theo chức năng nhiệm vụ cần tập trung trao đổi và nêu rõ cách thức giải quyết đối với từng nội dung kiến nghị của doanh nghiệp.
Những vấn đề vượt khỏi thẩm quyền của cấp tỉnh thì tập hợp báo cáo Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương để các ý kiến được xem xét, giải quyết và trả lời thỏa đáng.