Doanh nghiệp tăng tốc đầu tư tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại

Với việc đã ký kết và thực thi 17 Hiệp định Thương mại tự do (FTA), Việt Nam tiếp tục là trung tâm hấp dẫn cho các nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt trong ngành xuất khẩu chủ lực như cà phê.

Thêm các hiệp định thương mại đa phương

Ngoài 17 FTA đã ký kết, Việt Nam đang đàm phán 2 FTA, gồm FTA với khối bốn nước là Thụy Sỹ, Na Uy, Iceland, Liechtenstein và FTA ASEAN – Canada.

Việc tham gia ngày càng nhiều hiệp định cả song phương và đa phương đang tạo cơ hội tăng trưởng xuất khẩu cho nhiều sản phẩm Việt Nam và thu hút vốn đầu tư chất lượng cao.

Với Vương quốc Anh, ngoài Hiệp định song phương UKVFTA hiệu lực từ tháng 5-2021, thương mại đôi bên được kỳ vọng tăng mạnh hơn trong thời gian tới khi UK chính thức gia nhập CPTPP.

Từ ngày 15-12-2024, CPTPP chính thức có hiệu lực giữa Vương quốc Anh và các nước đã phê chuẩn nghị định thư bao gồm Japan, Singapore, Chile, New Zealand, Việt Nam và Malaysia.

“CPTPP có hiệu lực vào tháng 12 sẽ mở ra một kỷ nguyên thương mại mới cho các doanh nghiệp Anh và Việt Nam” – bà Alexandra Smith, tổng lãnh sự Anh tại TP.HCM, chia sẻ với Tuổi Trẻ Online.

Theo bà Alexandra Smith, ba mặt hàng Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất vào Vương quốc Anh là thiết bị điện tử, thiết bị âm thanh, đồ may mặc và giày dép.

Trong tương lai, ngoài các mặt hàng này sẽ có nhiều sản phẩm từ hai quốc gia được đẩy mạnh giao thương bên cạnh nguồn vốn đầu tư, chuyển giao công nghệ và chia sẻ kiến thức.

Tại Anh, tôm là mặt hàng chiếm khoảng 70% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản từ Việt Nam, theo ITC’s Trade Map.

Một trong những nhà xuất khẩu tôm hàng đầu Việt Nam là Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta cũng đang tìm cách tăng lượng xuất khẩu vào Vương quốc Anh.

Ông Hồ Quốc Lực, chủ tịch HĐQT Sao Ta, cho biết kim ngạch xuất khẩu năm 2023 của doanh nghiệp vào các nước ở EU đạt khoảng 603 triệu USD.

“Sắp tới, thị phần tôm Sao Ta ở Anh sẽ tăng mạnh hơn. Đây là nước nhập khẩu tôm Việt cao trong tốp đầu so với các nước khác ở châu Âu” – ông Lực cho biết.

Thêm đầu tư nhờ hiệp định thương mại

Dẫn đầu thế giới về nguồn cung cà phê robusta, Việt Nam không chỉ sở hữu nguồn lao động tay nghề cao mà còn có chi phí cạnh tranh, thu hút các tập đoàn toàn cầu như Louis Dreyfus Company (Hà Lan).

Nhằm tận dụng các ưu điểm này, Louis Dreyfus Company (LDC) cùng công ty đến từ Ba Lan là Instanta, lập liên doanh ILD Coffee Việt Nam và đầu tư hơn 84 triệu USD xây nhà máy cà phê hòa tan tại Bình Dương.

“Việc tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do với các thị trường quan trọng như châu Âu và châu Á là một yếu tố quan trọng để chúng tôi quyết định đầu tư vào Việt Nam” – ông Julien Terrisse, trưởng bộ phận chiến lược và vận hành mảng cà phê hòa tan toàn cầu của LDC, chia sẻ với Tuổi Trẻ Online.

LDC là công ty thương mại, hoạt động tại Việt Nam từ năm 1998 và dự án đầu tư tại Bình Dương là nhà máy sản xuất cà phê hòa tan đầu tiên của họ ở Việt Nam.

Hiện nhà máy có khoảng 100 nhân viên, với công suất 5.600 tấn mỗi năm.

Theo ông Julien Terrisse, nhà máy này đáp ứng cả phân khúc phổ thông và cao cấp, phần lớn được xuất khẩu cho các thị trường ở châu Âu và châu Á, nơi nhu cầu cà phê hòa tan cao cấp đang gia tăng.

Trong ngành cà phê, các doanh nghiệp xuất khẩu được khuyến khích nâng cao giá trị sản phẩm và gia tăng tỉ lệ chế biến sâu để không chỉ tăng giá trị gia tăng mà còn giảm sự phụ thuộc vào xuất khẩu cà phê thô.

Một số công ty Việt Nam đã bắt đầu đầu tư vào sản xuất cà phê hòa tan.

Nhưng theo ông Julien Terrisse, việc đầu tư vào sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng đòi hỏi vốn lớn, công nghệ hiện đại và khả năng xây dựng mạng lưới thị trường toàn cầu.

“Chúng tôi có thể lấp đầy khoảng trống này, giúp cà phê Việt Nam tiến xa hơn trong chuỗi giá trị và chiếm lĩnh phân khúc cao cấp trên thị trường quốc tế” – ông Julien Terrisse nói.

Còn với mặt hàng thạch dừa và nha đam, Công ty GC Food có hai nhà máy, sản xuất khoảng 30.000 tấn thành phẩm mỗi năm, cung cấp B2B cho các đối tác trong nước và nước ngoài.

Ông Nguyễn Văn Thứ, chủ tịch GC Food, cho biết công ty đang mở rộng đầu tư lên 50.000 tấn/năm, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường.

Sản phẩm của công ty này đã xuất khẩu đến hơn 20 quốc gia, chủ yếu ở châu Á. Ông Thứ nhận định Ấn Độ và Trung Quốc là hai thị trường tiềm năng.

“Năm nay chúng tôi mới đưa hàng vào Ấn Độ nhưng đã xuất khoảng 1.000 tấn. Đây là thị trường hứa hẹn. Riêng về giá, sản phẩm của Thái Lan có thể cao hơn hàng từ Việt Nam khoảng 20% vì chi phí nhân công cao” – ông Thứ cho biết.

Ngoài các thị trường tiềm năng, các quốc gia có văn hóa tương đồng và đã ký hiệp định thương mại song phương, đa phương với Việt Nam như Hàn Quốc và Nhật Bản là hai thị trường truyền thống của GC Food.

Việt Nam là đối tác chiến lược toàn diện với cả Nhật Bản và Hàn Quốc. Hiện hai mặt hàng của GC Food xuất khẩu vào hai quốc gia này không chịu thuế trong khi hàng từ Thái Lan có thể phải chịu thuế từ 5-10%.

“Trước đây thuế nhập khẩu có khi lên đến 20%, khách hàng của chúng tôi phải chịu nên mình phải chào giá thấp hơn để họ còn cân đối với chi phí thuế quan” – ông Thứ cho biết.

HỒNG PHÚC

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *