Doanh nghiệp TP.HCM tăng ca, sẵn sàng cung ứng thực phẩm ra miền Bắc

Bà Lý Kim Chi cho biết như vậy tại họp báo giới thiệu Triển lãm Nguyên liệu ngành thực phẩm và đồ uống Việt Nam – Fi Vietnam 2024 tại TP.HCM ngày 10-9.

Sẵn sàng cung ứng hàng hóa ra Bắc

Bà Chi cho biết ngay khi nhận được thông tin bão Yagi gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh phía Bắc, lãnh đạo FFA đã làm việc với các đơn vị sản xuất chủ lực thuộc hiệp hội để đánh giá tình hình cung ứng và tăng cường sản xuất trong tình hình miền Bắc thiếu hàng tạm thời. 

Ảnh hưởng của bão dẫn tới ngập lụt nhiều tỉnh thành phía Bắc càng khiến các doanh nghiệp thành viên FFA quyết tâm chuẩn bị, sẵn sàng tăng ca, tăng người làm để đảm bảo nguồn cung nhiều nhất vận chuyển ra phía Bắc.

“Chúng tôi sẽ đảm bảo cung cấp đủ các loại thực phẩm khô và thực phẩm chế biến cho các tỉnh miền Bắc để ổn định thị trường, cam kết không tăng giá bán trong suốt giai đoạn khắc phục hậu quả bão lũ. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đang làm việc với các đơn vị bán lẻ, đơn vị vận chuyển để nhanh chóng đưa hàng hóa ra miền Bắc trong thời gian sớm nhất”, bà Chi nói.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp hội viên FFA cũng đang quyên góp, hỗ trợ người dân miền Bắc gặp khó khăn do bão lũ thông qua ủng hộ cá nhân, theo các chương trình thiện nguyện hay lời kêu gọi của Sở Công Thương TP.HCM.

Ngành thực phẩm phục hồi mạnh mẽ

Phát biểu tại họp báo giới thiệu Triển lãm Nguyên liệu ngành thực phẩm và đồ uống Việt Nam – Fi Vietnam 2024 tại TP.HCM ngày 10-9, bà Lý Kim Chi cho biết ngành đã có sự phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch. Đến nay, các doanh nghiệp xuất khẩu đã có đơn hàng đến hết năm. 

Ngành F&B Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, với tốc độ tăng trưởng trung bình 10-12% hằng năm. Năm 2023, doanh thu ngành thực phẩm Việt Nam đứng thứ ba ở Đông Nam Á.

Ngành sản xuất chế biến thực phẩm chiếm 19,1% trong nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, thể hiện tiềm năng phát triển lớn. Với dân số trên 100 triệu và tầng lớp trung lưu tăng nhanh, Việt Nam là thị trường màu mỡ cho ngành nguyên liệu F&B. Xu hướng tiêu dùng mới như thực phẩm sạch, hữu cơ tạo cơ hội phát triển. Các hiệp định thương mại tự do mở rộng cơ hội xuất khẩu. Lợi thế tự nhiên trong nông nghiệp giúp Việt Nam trở thành một trong năm “giỏ thực phẩm” của thế giới.

Trong đó ngành nguyên liệu thực phẩm và đồ uống đóng vai trò quan trọng trong chuỗi giá trị F&B tại Việt Nam, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an ninh lương thực.

Tuy nhiên, ngành vẫn đối mặt thách thức về chất lượng nguyên liệu, tác động của biến đổi khí hậu và thiếu liên kết trong chuỗi giá trị. Để phát triển bền vững, cần tập trung nâng cao chất lượng, đa dạng hóa nguồn nguyên liệu, áp dụng công nghệ hiện đại và xây dựng chuỗi cung ứng bền vững.

TRẦN MẠNH

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *