Chậm trả lương cho lao động 3 tháng, trong khi Tết đang đến gần khiến lãnh đạo doanh nghiệp B (PV – Xin giấu tên) – một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực y tế, đang có trụ sở tại Đống Đa (Hà Nội), buộc phải vay ngân hàng 5 tỉ đồng để trả lương và thưởng Tết cho nhân viên.
Lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ: “Doanh nghiệp chúng tôi chuyên cung các các thiết bị y tế cho bệnh viện, nhưng năm vừa rồi là năm khó khăn chung cho cả toàn lĩnh vực. Nhiều bệnh viện cắt giảm chi phí, lại thêm quy định đấu thầu ngày càng khó khăn nên doanh nghiệp chúng tôi cũng bị ảnh hưởng”.
Theo đó, doanh nghiệp B đã nợ lương của cán bộ, công nhân viên trong 3 tháng, nhiều lao động xin nghỉ. Thấu hiểu nỗi lo của cán bộ, công nhân viên dịp Tết, dù tình hình kinh doanh chưa thể vực dậy nhưng lãnh đạo doanh nghiệp đã quyết định thế chấp tài sản cá nhân để vay tiền ngân hàng.
“Ở công ty chúng tôi còn có phần thưởng doanh số cho nhân viên khi bán được sản phẩm, tuy nhiên, khoản này nhiều tháng nay chúng tôi chưa thể chi trả” – đại diện doanh nghiệp B chia sẻ.
2023 là năm được dự báo nền kinh tế có nhiều khó khăn, thu nhập của người dân giảm sút. Chia sẻ với phóng viên, chị Đỗ Thảo Chi (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, bản thân vừa quyết định nghỉ việc tại công ty cũ do đơn vị này nợ lương và bảo hiểm xã hội trong nhiều tháng.
“Ngay từ giữa năm 2023, tình hình kinh doanh của công ty đã đi xuống. Ban đầu công ty chậm trả lương, sau dần là nợ. Khi đó nhân viên chúng tôi đã dần cảm thấy mất niềm tin và nghỉ việc dần” – chị Chi chia sẻ.
Theo chị Chi vì mong muốn có khoản Tết cuối năm, nên chị quyết tâm bám trụ đến tháng 11.2023 thì nghỉ việc. Chuyển sang công ty khác làm việc ngay sau đó nhưng chị Chi lại buồn rầu vì: “Chưa rõ năm nay có được thưởng Tết hay không”.
Trong số liệu công bố mới đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2023 tiếp tục ghi nhận số lượng lớn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Trong tháng 12, cả nước có 14.355 doanh nghiệp rút lui, tăng hơn 26% so với năm ngoái.
Tính chung cả năm, con số này là 172.500 doanh nghiệp, tăng 20,5%. Đây cũng là con số cao nhất kể từ năm 2017 đến nay.
Tuy nhiên, hơn một nửa trong số này là các doanh nghiệp lựa chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn. Chỉ có khoảng 10% thực hiện thủ tục giải thể, thực sự chấm dứt hoạt động và rời khỏi thị trường.
Nguyên nhân chính dẫn đến việc giải thể được các doanh nghiệp phản ánh là sản xuất kinh doanh không hiệu quả, giảm đơn hàng; thị trường có nhiều biến động nhưng cơ cấu tổ chức công ty không kịp thích ứng. Ngoài ra, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, thiếu vốn, chi phí sản xuất đầu vào tăng cao.
Tuy nhiên vẫn còn điểm sáng khi lượng đăng ký thành lập mới lại lần đầu chạm mức kỷ lục, gần 160.000 đơn vị, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2022.