
Kể từ khi được một nhóm nông dân đào giếng tình cờ phát hiện cách đây 50 năm, đội quân đất nung có kích thước như người thật này đã tiết lộ nhiều bí mật hấp dẫn về quân lính nhà Tần của hoàng đế đầu tiên thống nhất Trung Hoa vào năm 221 trước Công nguyên – hoàng đế Tần Thủy Hoàng, theo BBC.
Đôi giày
Đôi giày có thể không phải là thứ đầu tiên người ta chú ý đến những tác phẩm điêu khắc 2.200 năm tuổi này. Nhưng phân tích sơ bộ về giày dép của họ cho thấy những phụ kiện khiêm tốn này có thể đã đóng vai trò quan trọng trong quân Tần, và góp phần giúp họ đạt được hết chiến thắng này đến chiến thắng khác.
Hai nhà nghiên cứu Trung Quốc đã phân tích giày của một cung thủ đang quỳ – loại chiến binh đất nung duy nhất được khai quật cho đến nay để lộ đế giày. Sau đó, họ tạo ra bản sao của đôi giày bằng cách sử dụng các kỹ thuật và vật liệu làm giày được người Tần sử dụng khi xây dựng các chiến binh.
Nghiên cứu đã so sánh những đôi giày được tái tạo với hai đôi giày hiện đại và nhận thấy rằng những đôi giày tái tạo này cực kỳ linh hoạt và mang lại cho người mang trải nghiệm đi bộ “thoải mái, ổn định và hiệu quả hơn”. Đế của chúng cũng cho thấy khả năng chống trượt tốt hơn trong điều kiện ẩm ướt.

Cha Na – nghiên cứu sinh tại Trường Khoa học và Kỹ thuật Sinh khối tại Đại học Tứ Xuyên ở Thành Đô – cho biết: “Quy trình sản xuất độc đáo và kỹ năng nghệ thuật tuyệt vời của đôi giày thật ngoạn mục. Khi tôi cầm trên tay bản sao hiện đại của những gì binh lính Tần đã dùng cách đây hơn 2.000 năm, tôi vô cùng ấn tượng bởi độ tinh xảo của chúng”.
Quần áo màu sắc
Khi các chiến binh đất nung ban đầu được tạo ra, chúng được sơn một mảng màu đỏ, tím và xanh lá cây tươi sáng, được cho là phù hợp với màu sắc của quần áo mà chính binh lính Tần mặc. Trong nhiều trường hợp, lớp sơn không còn tồn tại qua nhiều thế kỷ sau khi các chiến binh bị cháy xém hoặc bị ngâm trong lũ lụt, nhưng một số chiến binh đã được khai quật với màu sắc ban đầu vẫn còn nguyên vẹn.
Một nghiên cứu năm 2019 cho thấy các màu ban đầu được trộn với nhiều chất kết dính gốc protein khác nhau, chẳng hạn như trứng và sữa động vật, trước khi sơn lên các binh sĩ để giúp cố định lớp sơn.
Lớp sơn mài được sử dụng trên đất sét nung trước khi sơn – được làm từ nhựa cây đã qua xử lý – rất nhạy cảm với sự thay đổi độ ẩm nên dễ khô và bong tróc
Theo Yuan Zhongyi, một trong những nhà khảo cổ đầu tiên được cử đến địa điểm khai quật vào năm 1974, tất cả các cấp bậc chiến binh đều mặc trang phục với sự kết hợp màu sắc bắt mắt.

Mô phỏng theo người thật
Có manh mối khác cho thấy đội quân đất nung gồm 7.000 chiến binh có thể được mô phỏng theo người thật.
Trong số hơn 10 màu sắc mà các nhà khảo cổ tìm thấy trên di vật, bí ẩn nhất là màu tím – một loại thuốc nhuộm tổng hợp phức tạp.
Nghiên cứu của Yuan chỉ ra rằng màu tím là một trong bốn màu quần áo phổ biến nhất của người Tần, cùng với xanh lá cây, đỏ và xanh lam.
Mặc dù không có ghi chép lịch sử nào về sự tồn tại của các chiến binh đất nung – nghĩa là họ đã bị lãng quên trong nghĩa địa của Tần Thủy Hoàng trong hơn hai thiên niên kỷ – nhưng vẫn có những manh mối khác cho thấy đội quân đất sét gồm 7.000 người có thể được mô phỏng theo người thật.
Một nghiên cứu kiểm tra 30 đôi tai của các bức tượng đất nung đã phát hiện ra “sự khác biệt đáng kể” về hình dạng đến mức “không có hai chiếc tai nào hoàn toàn giống nhau”.
Năm 2022, một nhóm nhà nghiên cứu đã phân tích đặc điểm khuôn mặt của 58 chiến binh và 29 dân tộc Trung Quốc hiện đại, như Mông Cổ, Jingpo và Xibo. Họ phát hiện ra rằng các đặc điểm của chiến binh này rất giống với đặc điểm của người Trung Quốc đương đại – điều mà các nhà nghiên cứu cho rằng các bức tượng được dựa trên chân dung thật.