Ngày 26.4.2024, ông Miroslav Jenca, Trợ lý Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres phụ trách châu Âu, Trung Á và châu Mỹ đã có bài phát biểu gửi tới Hội đồng Bảo an liên quan đến vụ phá hoại đường ống dẫn khí Nord Stream.
Ông Jenca cho biết, việc phá hủy đường ống dẫn khí Nord Stream vào tháng 9.2022 đã làm nổi bật tính dễ bị tổn thương của cơ sở hạ tầng năng lượng và thương mại quan trọng trong bối cảnh khu vực và toàn cầu hiện nay.
Vụ việc làm dấy lên những suy đoán rộng rãi có nguy cơ làm tăng thêm căng thẳng và sự ngờ vực vốn đã gia tăng giữa các quốc gia thành viên.
Hội đồng Bảo an đã triệu tập họp tổng cộng 7 lần để thảo luận về vấn đề này. Các cuộc họp dựa trên thông tin được công bố rộng rãi. Liên Hợp Quốc không có bất kỳ thông tin chi tiết bổ sung nào về các sự kiện và không có thẩm quyền xác minh hoặc xác nhận các khiếu nại hoặc báo cáo được đưa ra liên quan đến vụ việc – ông Jenca lưu ý.
Từ ngày 26-29.9.2022, 4 vụ rò rỉ đã được báo cáo trong đường ống dẫn khí Nord Stream 1 và Nord Stream 2 dưới biển Baltic, trong vùng đặc quyền kinh tế của Thụy Điển và Đan Mạch.
Mặc dù các đường ống này không hoạt động vào thời điểm xảy ra sự cố nhưng chúng được cho là chứa hàng trăm triệu mét khối khí đốt tự nhiên.
Vào tháng 2.2023, Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc ước tính tổng lượng khí thải mêtan bị rò rỉ trong vụ việc là từ 75.000 đến 230.000 tấn.
Toàn bộ tác động môi trường của vụ việc, bao gồm cả đối với động vật hoang dã ở biển và địa phương, vẫn chưa được tính toán chi tiết.
Chính quyền Đan Mạch, Đức và Thụy Điển đã tuyên bố tiến hành các cuộc điều tra cấp quốc gia riêng biệt. Các cơ quan hữu quan đã cung cấp thông tin cập nhật về các cuộc điều tra tương ứng, bao gồm cả trong một lá thư chung gửi Chủ tịch Hội đồng Bảo an ngày 10.7.2023.
Bức thư chỉ ra rằng, theo điều tra, vụ rò rỉ là do sử dụng chất nổ. Các nhà chức trách cũng cho biết đã thông báo cho Nga về tiến độ điều tra.
Trong bức thư ngày 25.8.2023 của Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc gửi Tổng Thư ký và Chủ tịch Hội đồng Bảo an, Nga bày tỏ quan ngại về các cuộc điều tra cấp quốc gia này và kêu gọi thực hiện “các thủ tục tố tụng toàn diện, khách quan”.
Tháng 2.2024, chính quyền Đan Mạch và Thụy Điển thông báo về việc kết thúc các cuộc điều tra tương ứng, trong bức thư chung gửi Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vào các ngày 7 và 26.2.2024. Đức vẫn chưa thông báo kết quả điều tra.
Trong bức thư của Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc ngày 1.3.2024 gửi Tổng Thư ký và Chủ tịch Hội đồng Bảo an, Nga đã nhắc lại mối quan ngại của mình và kêu gọi thành lập một ủy ban quốc tế để điều tra sâu hơn về các sự cố Nord Stream.
“Chúng tôi nhắc lại rằng bất kỳ hành vi cố ý gây thiệt hại nào đối với cơ sở hạ tầng dân sự quan trọng đều là mối lo ngại nghiêm trọng, cần phải bị lên án và điều tra” – ông Jenca nói.
“Trong bối cảnh an ninh nhạy cảm hiện nay, chúng tôi kêu gọi mọi người kiềm chế trong khi chờ đợi cuộc điều tra còn lại kết thúc và lúc đó thông tin sẽ được chia sẻ” – trợ lý Tổng Thư ký nhấn mạnh.
Ông Jenca khẳng định: “Chúng tôi đặc biệt khuyến khích các quốc gia thành viên tiếp tục hợp tác và chia sẻ thông tin để đảm bảo an ninh cho tất cả các vùng biển quốc tế, bao gồm cả Biển Baltic, nơi rất quan trọng đối với thương mại, an ninh và ổn định trong khu vực”.