Đốt vàng mã các dịp Lễ, Tết, mồng một, ngày rằm… từ lâu vốn được xem như tập tục truyền thống trong tín ngưỡng của người Việt.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, tập tục này đang dần thay đổi tại các đền, chùa, miếu tại Hà Nội. Thay vì những mâm lễ đầy ắp vàng mã và khói hương nghi ngút, ngày càng nhiều người dân lựa chọn các hình thức cúng bái văn minh, tiết kiệm và thân thiện với môi trường hơn.
Trao đổi với Lao Động, ông Bùi Hồng Sơn – Phó Trưởng Ban Quản lý kiêm Thủ từ khu di tích đền Quán Thánh (Ba Đình, Hà Nội) – cho biết: “Người dân và du khách thường tới đền Quán Thánh đông đúc nhất vào các dịp Tết hoặc đầu tháng.
Khoảng 15 năm nay, ban quản lý đã có những chương trình phát động kêu gọi nhân dân đi lễ thành tâm, mỗi người chỉ đi lễ 1 nén nhang, không sử dụng vàng mã nhiều. Điều này vừa tránh việc lãng phí, tránh ô nhiễm môi trường cũng như đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ.
Theo ghi nhận, số lượng vàng mã được đốt tại đền đã giảm đi đáng kể, chỉ còn khoảng 30% so với trước đây. Người dân và du khách khi tới đây có xu hướng chuyển sang các hình thức cúng bái mới như cắm hoa, thắp nến…”.
Tại đền Quán Thánh hiện có 2 am (lò) để người dân hóa vàng nếu có nhu cầu, tránh việc đốt, hóa vàng bừa bãi.
Ông Bùi Hồng Sơn cho hay, 2 am được xây dựng cách xa đền chính để tránh khói và cháy nổ.
Cũng là một trong “Thăng Long Tứ Trấn” – tức 4 ngôi đền linh thiêng thờ 4 vị thần trấn giữ 4 phía đông, tây, nam, bắc của kinh thành Thăng Long xưa, trong đó có đền Quán Thánh (quận Ba Đình), đền Kim Liên (quận Đống Đa) là nơi nhiều người dân và du khách thường xuyên lui tới để lễ bái.
Ông Nguyễn Kim Bình – Phó Ban Quản lý di tích đền Kim Liên – trao đổi với Lao Động: “Người dân ngày càng nhận thức rõ tác hại của việc đốt vàng mã đối với không khí, đất đai. Lớp trẻ có xu hướng tìm kiếm những hình thức cúng bái hiện đại, ý nghĩa hơn.
Việc đi lễ, bái tiết kiệm, hạn chế đốt vàng mã vừa giảm gánh nặng kinh tế cho người dân, vừa giảm thiểu ô nhiễm không khí, góp phần xây dựng thành phố xanh – sạch – đẹp.
Riêng tại đền Kim Liên, từ hơn 10 năm nay, ban quản lý đã đưa ra thông báo người dân và du khách chỉ thắp hương khu vực ngoài sân, không thắp hương trong đền chính. Điều này vừa đảm bảo yếu tố sức khỏe, không khí, đồng thời giữ gìn được chất lượng, mĩ quan của đồ thờ, tránh việc ám khói, cháy, hư hỏng”.
Tương tự như đền Quán Thánh, đền Kim Liên cũng còn 1 am hóa vàng. Dù số lượng người lui tới đền rất đông nhưng lượng vàng mã được đốt sau lễ bái đã giảm tải đáng kể.
Tọa lạc ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, chùa Pháp Hoa hiện còn giữ được nhiều di vật, tượng cổ mang phong cách nghệ thuật thế kỷ 19 có giá trị. Đông đảo người dân và du khách lui tới để lễ bái và tham quan.
Theo ghi nhận, tại đây có bảng không thắp hương, không mang hương vào chùa và không hóa vàng. Đại diện chùa Pháp Hoa cho hay, chùa chỉ thắp hương vòng, không thắp hương thẻ và không đốt vàng mã.
“Việc công đức là ở tại tâm chứ không nằm ở việc cúng bái, đốt vàng mã nhiều hay ít. Ở các buổi lễ, chùa Pháp Hoa cũng chỉ thắp nến hoặc 1 nén hương (hương vòng).
Ngoài khía cạnh tâm linh, thực tế, có nhiều loại hương. Nếu hương không rõ nguồn gốc, khi đốt sẽ gây độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe. Tương tự, việc hoá vàng cũng làm ô nhiễm môi trường” – đại diện chùa Pháp Hoa nói.
Việc hạn chế đốt vàng mã tại các đền, chùa, miếu là một tín hiệu đáng mừng, cho thấy sự thay đổi tích cực trong nhận thức của người dân Hà Nội.