Tờ Financial Times đưa tin, Mỹ đặt dự án Artic LNG 2 (LNG 2 Bắc Cực) của Nga dưới các lệnh trừng phạt trực tiếp vào tháng 11 năm ngoái, nhằm ngăn chặn các đồng minh của mua khí đốt của dự án khi nó bắt đầu sản xuất.
Động thái này diễn ra sau lệnh cấm của EU đối với việc chuyển giao công nghệ liên quan đến LNG cho Nga vào tháng 4.2022, hai tháng sau khi Mátxcơva tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraina.
Artic LNG 2 là chìa khóa trong chiến lược năng lượng của Nga, tiềm năng thành công của dự án có thể sẽ kích thích đầu tư thêm vào các kế hoạch tương tự.
“Về mặt xây dựng, các biện pháp trừng phạt không có tác dụng” – Ben Seligman, chuyên gia dự án phát triển dầu khí ở Bắc Cực, cho biết. Ông nói, Nga đã có thể hoàn thành dây chuyền sản xuất đầu tiên chỉ với những sửa đổi nhỏ và đã có giải pháp cho dây chuyền thứ hai.
Artic LNG 2 ở bán đảo Gydan phía bắc Siberia sản xuất LNG phục vụ thị trường châu Á và châu Âu. Dự án này do tập đoàn tư nhân Novatek của Nga sở hữu phần lớn, TotalEnergies của Pháp, hai công ty Trung Quốc và một liên doanh Nhật Bản, mỗi công ty nắm giữ 10% cổ phần.
Nhiên liệu siêu lạnh ngày càng trở nên quan trọng đối với Điện Kremlin do Nga mất nguồn xuất khẩu khí đốt qua đường ống sang châu Âu.
Khi ba dây chuyền sản xuất LNG của Artic LNG 2 hoàn thành, dự án sẽ có công suất sản xuất hàng năm là 19,8 triệu tấn và đóng góp đáng kể vào mục tiêu sản lượng trước xung đột của Nga là 80-140 triệu tấn vào năm 2035.
Dây chuyền sản xuất Artic LNG 2 đầu tiên đã bắt đầu vào tháng 12. Các nguồn tin trong ngành cũng như các thương nhân cho rằng, dự án có thể vận chuyển lô hàng đầu tiên trong vài tuần tới. Novatek trước đó đã ký hợp đồng cung cấp với Tập đoàn năng lượng Chiết Giang và Tập đoàn Shenergy của Trung Quốc.
Alexander Kislov – nhà phân tích độc lập, người trước đây từng làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu LNG cho một công ty năng lượng lớn của Nga – cho biết: “Artic LNG 2 là một thử nghiệm quan trọng. Các quyết định đầu tư tiếp theo vào các dự án LNG khác của Nga sẽ phụ thuộc vào sự thành công của dự án này”.
Mehdy Touil – chuyên gia vận hành LNG, người làm việc trong dự án Yamal LNG của Novatek, cũng ở Siberia – cho biết sau khi các lệnh trừng phạt của EU nhắm vào việc chuyển giao công nghệ LNG, trở ngại chính là việc mua sắm tuabin để hóa lỏng khí và cung cấp năng lượng cho địa điểm này.
Theo nguồn tin của Financial Times, Công ty tua bin khí Cáp Nhĩ Tân của Trung Quốc đã cung cấp số tuabin cần thiết còn lại để vận hành dây chuyền đầu tiên, sau khi một công ty Mỹ rút khỏi hợp đồng cung cấp 21 tuabin cho cả ba dây chuyền.
Trong một diễn biến riêng biệt, chính quyền thành phố Cáp Nhĩ Tân hồi tháng 12 năm ngoái cho biết Tập đoàn đóng tàu nhà nước Trung Quốc, công ty mẹ của Cáp Nhĩ Tân, đã bán 20 tuabin cho một “công ty Nga”.
Một cựu giám đốc điều hành công ty hóa dầu Nga nói rằng, “tất nhiên tuabin của Trung Quốc kém hơn của Đức hoặc Pháp”, nhưng chúng là một “sự thay thế có thể chấp nhận được”.
Trung Quốc trở thành nhà nhập khẩu LNG lớn nhất của Nga vào năm ngoái. Theo ông Touil, sự hỗ trợ của Trung Quốc là yếu tố then chốt tạo nên sự thành công của dự án này.
Tài liệu của Novatek cho thấy 5 công ty Trung Quốc chịu trách nhiệm hỗ trợ phần lớn dây chuyền LNG thứ nhất và thứ hai.
Theo công ty dữ liệu Kpler, đã có 12 chuyến đi từ Trung Quốc đến các cảng ở khu vực Murmansk phía tây bắc kể từ khi EU đưa ra lệnh trừng phạt. Các chuyên gia nhận định, hầu hết thiết bị được lắp ráp trên một cấu trúc nổi, sau đó được kéo đến bán đảo Gydan. Họ nói thêm, dây chuyền thứ hai có thể bắt đầu sản xuất vào cuối năm nay.
Khi phương Tây cắt giảm nguồn cung, Trung Quốc đã trở thành nguồn cung cấp phần cứng, điện tử và các hàng hóa khác quan trọng cho Nga. Dữ liệu thương mại cho thấy xuất khẩu của nước này sang Nga vào năm 2023 đã tăng 47% so với năm trước, lên 111 tỉ USD.