Gazprom Nga có thể sẽ không đạt được doanh số bán khí đốt như trước xung đột Nga – Ukraina trong vòng 1 thập kỷ, theo nghiên cứu do Gazprom ủy quyền thực hiện.
“Hậu quả chính của các biện pháp trừng phạt với Gazprom và ngành năng lượng là sụt giảm khối lượng xuất khẩu. Trước năm 2035, lượng xuất khẩu chưa thể khôi phục được như mức năm 2020” – Financial Times dẫn báo cáo nghiên cứu này cho hay.
Tới năm 2035, xuất khẩu khí đốt Nga sang châu Âu sẽ chỉ đạt trung bình 1/3 lượng bán ra trước năm 2022.
Dù châu Âu từ lâu là trung tâm tiêu thụ khí đốt chính của Nga nhưng xung đột ở Ukraina đã kích hoạt làn sóng trừng phạt trả đũa, làm đảo lộn hoạt động thương mại của Nga với phương Tây.
Gazprom là một trong những nhà cung cấp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các biện pháp trừng phạt Nga do phương Tây triển khai. Đầu tháng 5 năm nay, đại gia dầu khí Nga công bố khoản lỗ ròng 6,9 tỉ USD trong năm 2023, năm đầu tiên lỗ sau hơn hai thập kỷ.
Nghiên cứu do Gazprom ủy quyền thực hiện cho rằng, vai trò của Gazprom trong lĩnh vực năng lượng của Nga sẽ suy yếu khi không còn dựa vào xuất khẩu qua đường ống dẫn khí mà chuyển sang xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG). Thêm vào đó, công ty sẽ cần nguồn tài trợ đáng kể của nhà nước để tìm kiếm những thị trường thay thế cho sản phẩm của mình.
Hy vọng của Gazprom đặt vào việc phát triển của đường ống Sức mạnh Siberia 2 nhằm kết nối Nga với thị trường Trung Quốc.
Cho đến nay, thỏa thuận đường ống dẫn khí đốt này vẫn đang bị đình trệ do bất đồng về giá cả và nguồn cung. Tuy nhiên, ngay cả khi dự án đi vào hoạt động, lượng xuất khẩu tăng thêm cũng không bù đắp được doanh thu mà Gazprom bị mất ở châu Âu do Bắc Kinh mua khí đốt của Nga với giá giảm sâu.
Việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt Sức mạnh Siberia 2 cũng khiến Gazprom đối mặt với một vấn đề khác: Những lệnh trừng phạt đã cắt đứt nguồn cung cấp cần thiết để Nga phát triển cơ sở hạ tầng.
Financial Times lưu ý, Gazprom sẽ gặp khó khăn trong việc tăng công suất xuất khẩu nếu không tiếp cận được các turbine khí do phương Tây sản xuất. Những turbine này vốn rất cần trong vận chuyển khí qua đường ống.
Nga có thể phát triển turbine trong nước nhưng sẽ mất tới 5 năm và tiêu tốn 100 tỉ rúp (1,1 tỉ USD). Đây là một việc lớn với một công ty đang gặp khó khăn về tài chính.
Giải pháp tốt nhất cho Gazprom là sử dụng LNG, đa dạng hóa việc xuất khẩu ngoài đường ống dẫn khí và tìm kiếm khách hàng ngoài Trung Quốc, nghiên cứu cho biết. Đây cũng không phải là phương án chuyển đổi dễ dàng với Gazprom vì hãng không có công nghệ sản xuất LNG với công suất lớn hơn.