Nhiều sản phẩm chinh phục thị trường
Chiều 11.6, Tạp chí điện tử Nhà Quản lý phối hợp với các sở, ban ngành tỉnh Quảng Bình vừa tổ chức Hội nghị & Đối thoại “Du lịch xanh và Sản phẩm OCOP Quảng Bình: Hành trình chinh phục thị trường” tại Quảng Bình.
Quảng Bình hiện có 168 sản phẩm OCOP được công nhận còn thời hạn (gồm 28 sản phẩm OCOP 4 sao và 140 sản phẩm OCOP 3 sao) với 107 chủ thể kinh tế (gồm 58 hợp tác xã, 21 doanh nghiệp, 28 hộ kinh doanh cá thể), số sản phẩm OCOP 4 sao đạt và vượt so với kế hoạch của tỉnh (mục tiêu đến năm 2025 có 20-25 sản phẩm OCOP 4 sao).
Tổng số sản phẩm OCOP của tỉnh đứng thứ 4/6 tỉnh Bắc Trung Bộ, với một số sản phẩm nổi bật như: Khoai gieo, nước mắm, hải sản khô, các sản phẩm từ dược liệu, sản phẩm nông sản như yến, cam, tiêu, bột nghệ, mật ong…
Cùng với đó những năm qua, du lịch Quảng Bình đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, việc phát triển du lịch cộng đồng gắn với phát triển nông thôn mới. Trong đó, có các sản phẩm hàng lưu niệm mà OCOP là sản phẩm chủ lực. Sản phẩm OCOP tạo thêm nhiều việc làm, giúp nâng cao thu nhập cho người lao động địa phương, nhờ đó không ít gia đình trên địa bàn tỉnh có được cuộc sống khá giả hơn, góp phần vào thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
Ông Nguyễn Đăng Bình – Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Nhà Quản Lý cho biết, thông qua chương trình này, Ban tổ chức mong muốn tất cả các sản phẩm du lịch đặc trưng của Quảng Bình, cũng như các sản phẩm OCOP đạt chuẩn của tỉnh này sẽ đến tay du khách và người tiêu dùng nhiều hơn nữa, các doanh nghiệp du lịch và doanh nghiệp, HTX OCOP sẽ định vị được thị trường, tìm hướng đi đúng với nhu cầu của thị trường, thị hiếu người tiêu dùng trên khắp cả nước.
“Chúng tôi mong muốn thông qua chương trình này, với sự đóng góp ý kiến quý giá từ các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực du lịch, các doanh nghiệp du lịch, tổ chức lữ hành và đặc biệt là các chuyên gia, nhà quản lý trong lĩnh vực OCOP sẽ góp phần vào mục tiêu, chiến lược phát triển chung của toàn ngành du lịch, nông nghiệp và công thương của tỉnh Quảng Bình” – ông Bình nói.
Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Hoàng Xuân Tân cho biết, tỉnh xác định phấn đấu đến năm 2025, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
“Để đạt được mục tiêu đề ra, Quảng Bình đã và đang phát triển du lịch với phương châm “Liên kết chặt chẽ – Phối hợp nhịp nhàng – Hợp tác sâu rộng – Bao trùm toàn diện – Hiệu quả bền vững”” – ông Tân nói.
Theo ông Tân, hiện nay, Quảng Bình đã cho ra mắt loạt sản phẩm du lịch mới được xây dựng và đưa vào hoạt động với mục tiêu kép là mang đến trải nghiệm tốt nhất cho du khách, đồng thời bảo đảm tôn trọng các tiêu chí về bền vững, thích nghi và phù hợp với xu thế của đổi mới điểm đến du lịch. Xây dựng một môi trường sinh thái dưới tán rừng, sinh vật cảnh trên mặt đất, hệ thống hang động trong lòng núi…
“Đây là những kết quả rất tích cực, thể hiện sự sáng tạo và năng động của các địa phương để tạo ra những dòng sản phẩm OCOP, là niềm tự hào của người sản xuất trong toàn tỉnh và các sản phẩm OCOP Quảng Bình đang trên hành trình chinh phục du khách trong và ngoài nước” – ông Tân nhận định.
Ông Tân đề nghị các cơ quan, ban, ngành liên quan trên địa bàn tỉnh tiếp tục tập trung hỗ trợ, tăng cường liên kết trong hoạt động kinh doanh du lịch giữa các xã, huyện nông thôn mới có tiềm năng phát triển du lịch với các công ty lữ hành để chào bán các sản phẩm du lịch nông thôn cho khách du lịch nội địa và quốc tế…