Thưởng cổ phiếu nhân tài, 10 năm mới được chuyển nhượng
Công ty CP FPT thông báo phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động trong công ty, đối tượng là cán bộ lãnh đạo cấp cao năm 2024. Danh sách lãnh đạo đăng ký mua được đính kèm.
Trước đó, tập đoàn công nghệ này đã thông qua chủ trương phát hành hơn 3,3 triệu cổ phiếu giá 10.000 đồng/cp cho các lãnh đạo với thời gian hạn chế chuyển nhượng lên tới 10 năm.
Ngoài ra, FPT cũng phát hành thêm một đợt hơn 7,3 triệu cổ phiếu giá 10.000 đồng/cp cho các nhân viên từ level 4 (tương đương chuyên gia và trưởng phòng).
Danh sách công bố có 226 nhân viên được nhận cổ phiếu, người được mua nhiều nhất với số lượng 277.852 cổ phiếu. Lô cổ phiếu này bị hạn chế chuyển nhượng trong 3 năm.
Ngoài FPT, một loạt doanh nghiệp cũng tích cực phát hành ESOP.
Như Nhà Khang Điền (KDH) đã thông qua danh sách người lao động tham gia đợt phát hành ESOP cuối tháng 9 vừa qua.
Theo đó, có tổng cộng 233 lãnh đạo cùng nhân viên KDH tham gia với số lượng cổ phiếu được quyền mua 10,8 triệu.
Giá chào bán 17.000 đồng/cp, thấp hơn 55% so với mức giá thị trường 37.500 đồng. Lượng ESOP này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm.
Tương tự, Gelex (GEX) đã có báo cáo kết quả phát hành 8 triệu cổ phiếu ESOP với giá chào bán 10.000 đồng/cp. Theo đó, 45 nhân sự của GEX đã mua hơn 7,93 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 99% tổng số phát hành ra. Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng lâu nhất tới 3 năm.
Trước đó, PNJ phân phối hơn 3,34 triệu cổ phiếu ESOP giá 20.000 đồng/cp cho 176 người. Giá ESOP chỉ tương đương hơn 20% thị giá PNJ trên thị trường. Các ngân hàng như Techcombank, VIB, NAB… cũng không đứng ngoài “cuộc chơi” ESOP.
Nhiều nơi phát hành, giá rẻ vẫn ế
Dù giá ưu đãi hơn so với thị trường và thời gian hạn chế chuyển nhượng chỉ 1 năm, nhưng bên cạnh những cổ phiếu “hot”, nhiều lô cổ phiếu ESOP vẫn “ế”.
Như trường hợp Công ty CP Nông nghiệp BAF Việt Nam, doanh nghiệp này chỉ bán được hơn 2,48 triệu cổ phiếu ESOP, còn chưa phân phối hết hơn 4,68 triệu cổ phiếu.
Công ty CP Sữa Quốc tế (IDP) cũng không phân phối hết 725.528 cổ phiếu ESOP dù giá phát hành 10.000 đồng/cp, rẻ hơn nhiều thị giá hơn 230.000 đồng trên thị trường.
Ngoài ra, việc phát hành ESOP nhận về sự không hài lòng của nhóm cổ đông hiện hữu. Một cổ đông từng chất vấn FPT, ESOP quá nhiều có gây loãng cổ phiếu không và ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông khác như thế nào.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, giám đốc một công ty chứng khoán cho biết kết hợp việc đảm bảo tỉ lệ phát hành thấp (khoảng 1% trên tổng cổ phiếu đang lưu hành) cùng điều kiện hạn chế chuyển nhượng (phổ biến 1-3 năm, cao nhất 10 năm), mức độ pha loãng sẽ không đáng ngại.
Cũng theo vị này, ESOP ngày càng được nhiều doanh nghiệp triển khai như một chiến lược để giữ người tài hoặc để chi thưởng người lao động thay cho tiền mặt.
Song các chuyên gia đều lưu ý, các cổ đông nội bộ sẽ chỉ hưởng lợi thực sự với ESOP khi giá cổ phiếu duy trì ổn định hoặc tăng lên.
Giả sử người lao động mua ESOP giá ưu đãi khoảng 10.000 đồng, nhưng sau 3 năm mới được chuyển nhượng, lúc này thị giá về 5.000 đồng, sẽ không lãi mà còn lỗ. Thực tế trên thị trường không hiếm những cổ phiếu “trượt dốc” thảm hại, từ mức giá hơn 100.000 đồng về hơn 10.000 đồng.
Thêm nữa, dù phát hành với tỉ lệ được kiểm soát, song việc giá chào bán cổ phiếu ESOP thấp hơn rất nhiều với thị giá vẫn sẽ gây xung đột lợi ích nhất định. Khi lượng cổ phiếu ưu đãi được “giải tỏa”, nguồn cung sẽ tạo áp lực lên thị giá.