Dùng ảnh chân dung vẫn xác thực thành công sinh trắc học
Những ngày gần đây, khi xác thực sinh trắc học trở thành vấn đề nhận được sự quan tâm lớn của người dân, nhiều kẻ gian đã lợi dụng khi khách hàng gặp khó khăn trong thực hiện cập nhật thông tin sinh trắc học để chiếm đoạt tài sản, khiến người dân không khỏi lo ngại.
Bên cạnh đó, theo nhiều nguồn tin từ báo chí cho rằng, có trường hợp khách hàng đã thử nghiệm dùng ảnh tĩnh làm ảnh chân dung để thử nghiệm chuyển tiền từ một ngân hàng và phát hiện ra vẫn có thể chuyển tiền thành công.
Điều này làm dấy lên mối lo ngại về độ bảo mật thực sự của biện pháp sinh trắc học – vốn được đưa ra để bảo vệ cho an toàn tài chính của khách hàng.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước nói gì?
Ngày 4.7, Ngân hàng Nhà nước tổ chức Hội thảo “Giải pháp bảo vệ khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng” nhằm cung cấp thông tin, trao đổi, thảo luận về thực trạng và đề xuất các giải pháp trong việc bảo vệ khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng hiện nay.
Tại hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng đã phản hồi, xác nhận có một số thử nghiệm cho thấy hệ thống xác thực của ngân hàng bị đánh lừa bởi ảnh tĩnh thay vì khuôn mặt thật của người dùng.
Tuy nhiên, Phó Thống đốc cũng cho hay, do số lượng giao dịch trong ngày đầu tiên tăng đột biến nên một số ngân hàng đã tạm tắt chức năng sinh trắc học để đảm bảo tính ổn định, thông suốt của hệ thống.
“Khi công suất tăng gấp 10-20 lần thì khó tránh khỏi việc ách tắc cục bộ. Bình quân 1 ngày trên hệ thống chuyển tiền liên ngân hàng, có khoảng 2 triệu lượt giao dịch trên số tiền 10 triệu đồng trở lên” – Phó Thống đốc nói. “Có một, hai ngân hàng, do giao dịch quá lớn nên đã tắt chức năng Liveness để cho giao dịch thông suốt”.
Phó Thống đốc NHNN cũng nói rõ thêm, việc quá tải ở đây là về lượng yêu cầu gửi về hệ thống ngân hàng. Khi bật chức năng này lên, lỗ hổng xác thực bằng ảnh tĩnh không còn.
Ông Vũ Ngọc Sơn – Giám đốc kỹ thuật Công ty Cổ phần Công nghệ an ninh mạng quốc gia Việt Nam (NCS) – cho biết, các nhà cung cấp công nghệ xác thực sinh trắc học thường cung cấp tính năng “Liveness Detection”. Công nghệ này sẽ giúp phát hiện ảnh thu được từ camera là ảnh thu của vật thể sống hay là ảnh tĩnh, hoặc video clip.