Dừng giãn, giảm thuế phí, ổn không?

Trước ý kiến của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc rằng sẽ đề xuất từ năm 2025 dừng hoãn, miễn giảm thuế phí, Tuổi Trẻ đã trao đổi với ông Trần Hoàng Ngân – đại biểu Quốc hội TP.HCM, cũng là ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội – xung quanh vấn đề này. Ông Ngân nói:

Do ảnh hưởng của COVID-19, chúng ta đã có Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội gồm nhiều nhóm giải pháp, chủ yếu dùng chính sách tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ doanh nghiệp (giãn, hoãn, giảm thuế phí) và người dân (giảm thuế VAT và tăng cường chính sách an sinh xã hội).

Đây là cách tiếp sức để doanh nghiệp trụ lại, giảm bớt khó khăn của người dân, tạo đà cho nền kinh tế phục hồi. 

Kết quả là tăng trưởng kinh tế dần lấy lại đà, nhưng khó khăn còn rất lớn. Chúng ta còn phải lường các yếu tố rủi ro từ kinh tế thế giới, chiến tranh… nếu xảy ra sẽ rất khó cho kinh tế trong nước.

Dưới đây là cuộc trao đổi với ông Trần Hoàng Ngân – đại biểu Quốc hội TP.HCM, cũng là ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Sức mua yếu do người dân sống tiết kiệm hơn

* Thưa ông, vì sao tăng trưởng kinh tế khả quan nhưng người dân vẫn cho rằng rất khó khăn, còn doanh nghiệp kêu sức mua có vẻ đang yếu dần?

– COVID-19 đã bào mòn tích lũy khiến nội lực của người dân suy giảm, buộc họ phải điều chỉnh thói quen tiêu dùng, chuyển sang sống tiết kiệm hơn. Cứ nhìn hàng quán phải trả mặt bằng là biết.

Khi người dân sống tiết kiệm, người kinh doanh dịch vụ sẽ giảm thu nhập, mất việc làm. Sau COVID-19, nhiều người đã về quê kiếm sống, cho thuê nhà chịu cảnh ế ẩm.

Rồi lãi suất tiết kiệm giảm ở mức chưa từng có khiến hàng triệu người giảm thu nhập.

Thị trường bất động sản chưa hồi phục, đội ngũ môi giới và người kinh doanh mất hẳn thu nhập… Trong khi đó, tiêu dùng là một trong ba trụ cột của tăng tưởng kinh tế. Vì vậy, cần phải bằng mọi cách tiếp sức để sức mua dần sung mãn trở lại.

* Nhưng tiêu dùng thông qua xuất khẩu đang dần lấy lại đà tăng trưởng, đó cũng là cơ hội để kinh tế trong nước hồi phục mà không cần sự hỗ trợ đặc biệt từ chính sách?

– Đơn hàng xuất khẩu đang trở lại là đáng mừng. Nhưng liệu đó là sự phục hồi vững chắc và không có rủi ro? Nếu sức mua của thế giới, vì lý do nào đó như chiến tranh, giảm trở lại hoặc người dân các nước cũng thắt lưng buộc bụng, khi đó đơn hàng còn dồi dào? Chính vì thế chúng ta vẫn phải bồi đắp, củng cố cho ba trụ cột chính của tăng trưởng kinh tế là đầu tư – tiêu dùng nội địa – xuất khẩu.

Chưa đủ thực tiễn để siết chặt tài khóa

* Có nghĩa là chúng ta vẫn cần tiếp sức cho nền kinh tế, kể cả khi đã có mức tăng trưởng khá tốt?

– Theo tôi, tình hình thế giới hiện nay và những khó khăn bên trong cho thấy chúng ta chưa đủ thực tiễn để siết chặt chính sách tài khóa.

Doanh nghiệp rút khỏi thị trường vẫn còn lớn. Xuất khẩu sáu tháng đầu năm có tăng nhưng không bền vững vì tình hình địa chính trị vẫn căng thẳng và tổng cầu thế giới chưa phục hồi rõ nét.

Chưa kể điều kiện của các nước nhập khẩu ngày càng cao, như chỉ mua hàng sản xuất xanh mà không phải doanh nghiệp Việt nào cũng kịp chuyển đổi sang sản xuất xanh.

Vì vậy chúng ta cần phải duy trì chính sách tài khóa linh hoạt để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.

Nhìn ra thế giới, các nước vẫn hỗ trợ cho người dân, ta chưa vội làm ngược lại! Tôi nhấn mạnh sức mua trong nước rất quan trọng, phải chăm chút, trước là tạo đầu ra cho doanh nghiệp, sau là duy trì chất lượng cuộc sống cho người dân.

* Nhưng hỗ trợ là phải có tiền, liệu ngân sách quốc gia có đủ sức để duy trì liên tục hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân?

– Đủ sức hay không, trước hết cần đi vào nền tảng tài chính quốc gia. Cho đến nay chúng ta đã đi được 3/4 chặng đường của kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công năm năm giai đoạn 2021-2025.

Dù đường gập ghềnh, cực kỳ khó khăn nhưng tình hình khả quan. Trần nợ công quốc gia là 60% GDP nhưng hiện chỉ là 37,1% GDP, bội chi ngân sách các năm qua cũng được kiểm soát khá tốt.

Theo tôi, chúng ta có đủ tiềm lực để tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa linh hoạt thay vì siết chặt trong 5 năm tới.

Tài chính quốc gia không chỉ trông vào thuế

* Nhưng bộ trưởng tài chính cũng có lý khi nguồn thu khó khăn, không thể giảm thuế mãi mà cần có giải pháp hỗ trợ khác?

– Chúng ta phải tăng thu, kiểm soát chi theo hướng tiết kiệm và hiệu quả. Tăng thu từ nhiều nguồn như áp dụng kỹ thuật, công nghệ để chống thất thu ở sàn thương mại điện tử, chống trốn lậu thuế, nợ đọng thuế… 

Một nguồn thu lớn rất lớn đó là khai thác tài sản công, nhất là của các cơ quan trung ương hiện còn lãng phí do chưa hoàn thiện thể chế để khai thác. Nếu cho thuê không được thì đem bán. 

Rồi tài sản do các doanh nghiệp nhà nước đang nắm giữ. Cũng phải sớm hoàn thiện thể chế để khuyến khích khai thác hiệu quả khối tài sản này theo hướng thu nhập phải gắn liền với hiệu quả khai thác tài sản. 

Hoặc từ 1-8, Luật Đất đai có hiệu lực, tháo gỡ một số dự án đầu tư công, bất động sản… Nhà nước sẽ thu tiền thuê đất và từ các giao dịch nhà đất nhiều hơn…

T.TUYỀN


NGHI VŨ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *