
Sức mạnh Siberia 2 (Power of Siberia 2) là chủ đề quan trọng dự kiến được Tổng thống Nga Vladimir Putin thảo luận với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc có khả năng diễn ra vào cuối tháng này.
Đường ống dẫn khí Sức mạnh Siberia 2 được thiết kế để nối Nga với Trung Quốc thông qua Mông Cổ và được xem là dự án tiêu biểu tượng trưng cho mối quan hệ đối tác chiến lược không giới hạn giữa Bắc Kinh và Mátxcơva.
Khi hoàn thành, đường ống Sức mạnh Siberia 2 dự kiến vận chuyển 50 tỉ mét khối khí đốt Nga sang phía bắc Trung Quốc mỗi năm, chuyển hướng dòng khí đốt từng cung cấp cho châu Âu.
Tháng 9.2022, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho hay, Sức mạnh Siberia 2 chuyển khí đốt tới Trung Quốc được kỳ vọng sẽ thay thế đường ống Nord Stream 2 sang châu Âu.
Bất kỳ tiến triển nào trong dự án sẽ là thước do hiệu quả trạng thái quan hệ song phương Nga – Trung Quốc, SCMP nhận định.
“Đó là ‘con voi ở trong phòng’,” một nguồn tin Nga giấu tên, am hiểu vấn đề dự án Sức mạnh Siberia 2, cho hay. “Con voi ở trong phòng” là thành ngữ chỉ một vấn đề hệ trọng ngay trước mắt nhưng mọi người đều tránh nói về vấn đề đó.

Dự án Sức mạnh Siberia 2 rất quan trọng với Tổng thống Putin trong bối cảnh ông vừa bước sang nhiệm kỳ tổng thống thứ 5.
Tại Nga, đường ống dẫn khí được kỳ vọng thay thế Nord Stream 2 tiếp tục là chủ đề được nhiều bên quan tâm.
Tuy nhiên, ngày 8.4, hãng tin IA REX của Nga cho biết, dự án Sức mạnh Siberia 2 “vẫn nằm trong bóng tối”. Hãng tin Nga cũng trích dẫn suy đoán rằng “Bắc Kinh không cần dự án” hoặc có những bất đồng về giá.
Munkhnaran Bayarlkhagva – cựu quan chức của Hội đồng An ninh Quốc gia Mông Cổ – cho biết, cuộc thảo luận về việc xây dựng đường ống Sức mạnh Siberia 2 đang ở trong “tình trạng lấp lửng kỳ lạ”.
“Tôi không nhận thấy bất kỳ ai thuộc tầng lớp chính trị Mông Cổ đưa ra bất kỳ bình luận nào về đường ống này trong thời gian gần đây” – ông nói. Ulaanbaatar được xem là nơi nắm rõ mọi diễn biến của dự án vì đường ống Sức mạnh Siberia 2 đi qua nước này.
Ông Bayarlkhagva cũng lưu ý, dịp đầu năm, phía Nga đã thay đổi toàn bộ đội ngũ chính phủ đang trao đổi về vấn đề đường ống với Mông Cổ.
Trong khi đó, phía Trung Quốc hầu như vẫn giữ im lặng về dự án đường ống dẫn khí Sức mạnh Siberia 2.
Ngày 7.5, Đại sứ Trung Quốc tại Nga Zhang Hanhui chia sẻ với hãng tin RIA Novosti rằng, các công ty của hai nước đang “tích cực thảo luận chi tiết” và Bắc Kinh ủng hộ cách tiếp cận tích hợp trong vận hành đường ống.
“Tôi cho là việc xây dựng Sức mạnh Siberia 2 sẽ phát triển theo nhu cầu trong nước của Trung Quốc. Đường ống dẫn khí này sẽ không tiến triển nhanh như một số phương tiện truyền thông đã mô tả” – Li Lifan, chuyên gia về Nga tại Viện Khoa học Xã hội Thượng Hải, nhận định.
Dong Jinyue – nhà kinh tế trưởng tại BBVA – cho biết, ngoài Nga, còn có nhiều quốc gia cung cấp khí đốt cho Trung Quốc như Mỹ, Australia, Indonesia, Malaysia và Qatar… dù nước láng giềng phía bắc là nhà cung cấp lớn.
David Zweig – giáo sư danh dự tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong (Trung Quốc) – nhận định, Nga sẽ tìm các cách thức để cung cấp khí đốt cho Trung Quốc.
Trong khi Bắc Kinh và Mátxcơva đang đàm phán chi tiết dự án Sức mạnh Siberia 2, đầu tháng 5, đặc phái viên Kazakhstan tại Nga Dauren Abayev cho biết, Nga có kế hoạch gửi khoảng 35 tỉ mét khối khí đốt tới Trung Quốc mỗi năm thông qua Kazakhstan.
Tuy nhiên, chuyên gia Li Lifan lưu ý, tiến trình định tuyến khí đốt Nga qua Kazakhstan sẽ không nhanh như mong đợi bởi quốc gia Trung Á này lo ngại về các lệnh trừng phạt của phương Tây với Nga và quan ngại về các lệnh trừng phạt thứ cấp.