Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire cho biết, việc nhập khẩu khí đốt qua đường ống và LNG của Nga vào châu Âu phải được giảm từ từ để tránh gây tổn hại cho thị trường.
“Sự phụ thuộc vào khí đốt Nga của EU đã giảm đi đáng kể kể từ khi Nga đưa quân vào Ukraina, nhưng chúng ta muốn thực hiện điều đó dần dần để tránh tác động quá tàn khốc đến thị trường, đặc biệt là đối với các đối tác châu Âu vốn phụ thuộc nhiều vào khí đốt Nga hơn chúng ta” – Bộ trưởng Le Maire phát biểu trong phiên điều trần tại Thượng viện Pháp.
Trang Montel News đưa tin, Bộ trưởng Kinh tế Pháp cho biết, khí đốt do Nga cung cấp, bao gồm cả khí đốt qua đường ống và LNG, vẫn chiếm 15% lượng nhập khẩu của EU, đồng thời lưu ý rằng các quốc gia thành viên đã đặt mục tiêu loại bỏ hoàn toàn nhiên liệu của Mátxcơva vào năm 2027.
Ông nói thêm: “Chúng ta vẫn duy trì nhập khẩu để tránh áp lực quá lớn lên thị trường, điều này có thể ảnh hưởng rất mạnh đến giá cả”.
Theo dữ liệu của Mạng lưới các nhà điều hành hệ thống truyền tải khí đốt châu Âu (Entsog) công bố tuần trước, khối lượng khí đốt qua đường ống và LNG của Nga xuất khẩu sang châu Âu đã tăng trong tháng 3, trong đó Bỉ là nhà nhập khẩu lớn nhất, theo sau là Pháp.
Đầu tháng này, Bộ trưởng Năng lượng Bỉ Tinne van der Straeten cho biết, EU vẫn chia rẽ sâu sắc về việc cấm nhập khẩu LNG của Nga bằng các biện pháp trừng phạt chính thức, vốn cần có sự nhất trí của tất cả 27 quốc gia thành viên.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Pháp, các biện pháp trừng phạt của EU đối với than và dầu thô của Nga vẫn hiệu quả mặc dù các nước như Ấn Độ và Trung Quốc mua dầu của Nga với giá thấp.
Ông nói thêm, việc bán hàng cho Ấn Độ và Trung Quốc “giúp Nga tồn tại, nhưng thực tế là những biện pháp trừng phạt này có tác động đến Nga và sức mạnh của Nga”.
Trong khi đó, “các lệnh trừng phạt của châu Âu được tất cả các công ty Pháp tôn trọng nghiêm ngặt và cẩn thận, cho dù họ là những tập đoàn toàn cầu như TotalEnergies hay các công ty nhỏ hơn” – ông Le Maire trả lời các thượng nghị sĩ Pháp, những người đã chất vấn ông về sự tham gia của tập đoàn dầu khí khổng lồ TotalEnergies ở Nga.
TotalEnergies có 19,4% cổ phần trong tập đoàn dầu khí Novatek của Nga. Tập đoàn Pháp cũng nắm giữ 20% cổ phần trong dự án Yamal LNG 17,4 triệu tấn/năm ở Nga và 10% cổ phần trong dự án LNG 2 Bắc Cực 19,8 triệu tấn/năm.
Nicolas Terraz, người đứng đầu bộ phận thăm dò và sản xuất tại TotalEnergies, nói với các thượng nghị sĩ: “Yamal LNG tiếp tục sản xuất LNG, một phần đáng kể trong số đó được xuất sang châu Âu”.
Tuy nhiên, TotalEnergies không có ý định mua hoặc xuất khẩu LNG từ cơ sở LNG 2 Bắc Cực. Vào tháng 2, TotalEnergies đã tuyên bố bất khả kháng cùng với các nhà đầu tư khác do lệnh trừng phạt của Mỹ.