Cao ủy EU về năng lượng, bà Kadri Simson nói với S&P Global Commodity Insights rằng, Liên minh châu Âu đang chuẩn bị hoàn tất các bước cuối cùng cho gói trừng phạt Nga thứ 14 trong tháng 6, với các mục tiêu trừng phạt bao gồm các chuyến hàng LNG của Nga.
Gói trừng phạt thứ 14 bổ sung ba dự án LNG của Nga vào danh sách đen, bao gồm Arctic LNG 2, Ust-Luga và Murmansk. Bà Kadri Simson cho biết thêm, gói trừng phạt này sẽ là “gói đầu tiên nhắm vào LNG của Nga, bao gồm việc buôn bán và vận chuyển”.
LNG của Nga hiện vẫn tiếp tục được đưa đến châu Âu chủ yếu thông qua các cảng ở Tây Ban Nha, Bỉ và Pháp. Một số sau đó được tái xuất khẩu sang các nước thứ ba.
Các biện pháp mới sẽ ngăn các nước EU tái xuất khẩu LNG của Nga, nhưng sẽ không đưa ra lệnh cấm hoàn toàn đối với việc nhập khẩu khí siêu lạnh vào Liên minh châu Âu.
Tuy nhiên, gói trừng phạt thứ 14 của EU để được thông qua sẽ cần sự đồng thuận tất cả các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu. Trong khi đó, tờ Politico đưa tin, Hungary có thể phủ quyết gói trừng phạt này. Budapest tuyên bố sẽ ngăn chặn mọi biện pháp khiến chi phí năng lượng cao hơn ở châu Âu.
Phát biểu với S&P Global bên lề Diễn đàn Năng lượng Nhật Bản – EU tại Tokyo tuần trước, bà Simson cho biết các quốc gia thành viên EU đã thảo luận về gói trừng phạt 14 và yêu cầu thêm thông tin..
“Chúng tôi đã cung cấp cho họ bản đánh giá về tác động của gói trừng phạt mới đối với thị trường LNG quốc tế. Đánh giá của chúng tôi là nó không có tác động lớn đến thị trường LNG toàn cầu và thị trường LNG hiện đủ thanh khoản để đáp ứng nhu cầu ngay cả khi chúng tôi đưa ra gói trừng phạt thứ 14” – S&P Global dẫn lời bà Simson cho biết, bày tỏ sự tin tưởng rằng gói này có thể được hoàn tất vào tháng 6.
Hồi giữa tháng 4, Cơ quan Hợp tác Điều tiết Năng lượng (ACER) của Liên minh châu Âu đã cảnh báo rằng việc trừng phạt LNG của Nga có thể tác động tiêu cực đến an ninh khí đốt ở châu Âu.
Hiện tại, các quốc gia thành viên EU vùng Baltic đang kêu gọi EU cấm nhập khẩu LNG của Nga, nhưng cơ quan giám sát của EU tin rằng động thái này chỉ nên thực hiện dần dần.
Vì EU đặt mục tiêu chấm dứt hoàn toàn sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga vào năm 2027, việc giảm nhập khẩu LNG của Nga nên được xem xét theo từng bước, bắt đầu từ việc nhập khẩu LNG giao ngay của Nga – ACER cho biết trong báo cáo “Diễn biến thị trường LNG châu Âu”.
Theo Politico, việc thúc đẩy các biện pháp trừng phạt đối với LNG là một sự thay đổi đáng kể trong chiến lược của EU. Cho đến nay, EU vẫn chưa đưa ra hạn chế nào với khí tự nhiên hóa lỏng.