Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất sau kiểm toán năm 2023.
Báo cáo ghi nhận doanh thu hợp nhất của tập đoàn năm ngoái đạt 500.719 tỉ đồng, tăng khoảng 8% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, doanh thu từ bán điện trong năm vừa qua đạt hơn 498.436 tỉ đồng, chiếm 99%.
Lợi nhuận gộp của EVN còn 13.041 tỉ đồng do giá vốn hàng bán chiếm 487.677 tỉ đồng, song vẫn tăng hơn 23% so với năm 2022.
Năm 2023, EVN cũng ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính giảm mạnh xuống còn hơn 4.065 tỉ đồng, giảm gần 50% so với năm 2022. Trong khi đó, chi phí tài chính tăng lên gần 22.686 tỉ đồng, các chi phí khác biến động nhẹ.
Sau khi trừ các chi phí, EVN ghi nhận lỗ sau thuế hơn 26.772 tỉ đồng, trong khi năm 2022 lỗ 20.747 tỉ đồng. Lũy kế 2 năm 2022-2023, EVN lỗ hơn 47.519 tỉ đồng.
Việc EVN ghi nhận khoản lỗ “khủng” trong năm 2023 khiến nhiều người lo ngại khả năng tăng giá điện trong năm 2024 là rất lớn.
Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động tại họp báo thường kỳ Bộ Công Thương quý 2 hồi cuối tháng 6.2024, ông Nguyễn Thế Hữu – Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) – cho biết, trước khi điều chỉnh giá điện, Bộ Công Thương đã thành lập đoàn công tác và đoàn đang trong quá trình làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam cùng các bên liên quan để xem xét, đánh giá các yếu tố đầu vào cấu thành giá điện thời điểm hiện tại, từ đó làm cơ sở xem xét có tăng hay giảm giá điện trong thời gian tới.
“Hiện tại, Bộ Công Thương đã cử đoàn kiểm tra giá thành điện năm 2023 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam để làm cơ sở xem xét, điều chỉnh giá điện năm 2024”, ông Hữu nói và cho hay, đến thời điểm này, việc kiểm tra chưa có kết quả. Do đó, việc điều chỉnh giá điện thế nào, vào thời điểm nào sẽ phụ thuộc kết quả kiểm tra.
Cũng tại họp báo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, trước đây, cơ sở chính sách để xem xét điều chỉnh giá điện là Quyết định số 24 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 05 với nhiều nội dung thay đổi.
“Bây giờ chúng ta đừng nghĩ giá điện chỉ có tăng, mà sẽ có cả giảm”, ông Tân nói và cho hay, với quyết định mới, nếu đủ cơ sở, yếu tố để giảm giá điện khi các chi phí đầu vào giảm 1% thì sẽ phải giảm ngay.
Đối với việc tăng giá, theo Quyết định 05, nếu các khoản chi phí đầu vào khiến giá thành điện tăng tương ứng ở các mức 3%, 5% hay cao hơn nữa sẽ do từng cấp thẩm quyền xem xét điều chỉnh, nhưng chu kỳ để xem xét phải là 3 tháng một lần.
Do đó, ông khẳng định khi chi phí đầu vào, giá thành điện giảm thì Bộ Công Thương sẽ giám sát, xem xét yêu cầu EVN phải giảm ngay. Với trường hợp tăng sẽ báo cáo để xem xét trong thẩm quyền của EVN hoặc của Bộ Công Thương hoặc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.