Hơn 7 năm với 9 lần đổi Chủ tịch HĐQT
Gần một thập kỷ qua Eximbank luôn trong tình trạng biến động nhân sự cấp cao vì cuộc cạnh tranh ghế quyền lực ở thượng tầng. “Cuộc chiến” giữa các nhóm cổ đông tại Eximbank thực tế đã diễn ra từ năm 2015, sau khi cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) Lê Hùng Dũng quyết định rút lui. Theo đó, nhóm cổ đông nào cũng muốn có chân trong HĐQT và Ban kiểm soát, khiến nhà băng phải trì hoãn Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) nhiều lần. Tại thời điểm đó, sau 2 lần tổ chức đại hội cổ đông không thành, phải đến giữa tháng 12.2015, ông Lê Minh Quốc sau đó được bầu làm Chủ tịch HĐQT. Tuy nhiên, cuộc họp này cũng diễn ra không mấy suôn sẻ khi nội bộ cổ đông ngân hàng tố cáo có sự gian lận trong quá trình bỏ phiếu.
Tiếp đến giai đoạn từ năm 2016 – 2018, các kỳ họp đại hội cổ đông của Eximbank tiếp tục gây nhiều tranh cãi khi những ồn ào trong việc bầu nhân sự cấp cao tiếp diễn, hàng loạt yêu cầu đòi thay thế HĐQT đương nhiệm xuất hiện, bộ máy lãnh đạo cắt giảm hàng loạt… Đỉnh điểm vào đầu năm 2019, “sóng gió” lại bắt đầu nổi lên khi ngay sau cuộc họp ngày 22.3, HĐQT Eximbank bất ngờ đưa ra Nghị quyết 112 bãi nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT đối với ông Lê Minh Quốc kể từ ngày 22.3.2019 và bầu bà Lương Thị Cẩm Tú (cựu CEO Nam Á Bank) thay thế. Ông Quốc cũng có đơn kiện lên tòa án và đến ngày 27.3.2019, TAND TP Hồ Chí Minh đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc HĐQT Eximbank phải dừng Nghị quyết 112.
Song, đến ngày 14.5.2019, ông Quốc lại xin rút yêu cầu khởi kiện và có đơn từ nhiệm khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT. Đến ngày, 22.5.2019, HĐQT Eximbank có quyết định chấp thuận đơn từ nhiệm của ông Quốc. Tại thời điểm này, Eximbank thông báo ông Cao Xuân Ninh được bầu giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2015 – 2020.
Nhưng chỉ trong vòng một năm sau đó, ghế Chủ tịch HĐQT lại được chuyển sang cho ông Yasuhiro Saitoh, người trước đó giữ chức Phó Chủ tịch ngân hàng. Rồi đến ngày 13.4.2021, “sóng gió” lại nổi trước thềm đại hội cổ đông thường niên 2020 lần 3 của EximBank khi HĐQT ngân hàng liên tục có những nghị quyết xoay vòng khó hiểu khi trong một giờ với 3 lần đổi “ghế nóng”, từ ông Saitoh, sang ông Nguyễn Quang Thông và quay trở lại Yasuhiro Saitoh. Phải đến ngày 15.2.2022, Eximbank mới tổ chức được ĐHĐCĐ thường niên 2021 lần thứ hai, bầu ra thành viên HĐQT và Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2020 – 2025. Kết quả, bà Lương Thị Cẩm Tú nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của toàn thể thành viên Hội đồng Quản trị nhiệm kỳ VII (2020 – 2025) với 7/7 phiếu bầu.
Mọi sự hỗn độn trong cuộc chiến thượng tầng tại Eximbank tưởng như đã được thu xếp. Thế nhưng chỉ sau hơn một năm, ngày 21.6.2023, HĐQT của Eximbank đã triệu tập cuộc họp bất thường của HĐQT nhằm bãi miễn Chủ tịch HĐQT là bà Lương Thị Cẩm Tú và Tổng giám đốc hiện hành của Eximbank, bầu chủ tịch mới, bổ nhiệm quyền tổng giám đốc mới. Người kế nhiệm ở vai trò Chủ tịch HĐQT Eximbank kể từ ngày 28.6.2023 là bà Đỗ Hà Phương.
Thế rồi, chỉ sau 2 ngày, đại diện một nhóm cổ đông gửi tới HĐQT Eximbank đề nghị rút đề cử, miễn nhiệm bà Đỗ Hà Phương, tân Chủ tịch Eximbank. Tại thông cáo báo chí phát ra tối 30.6, Eximbank cũng khẳng định trình tự, thủ tục tổ chức họp để miễn nhiệm chức Chủ tịch đối với bà Tú và bầu bà Phương đều tuân thủ quy định pháp luật và điều lệ ngân hàng.
Yêu cầu không để xảy ra tiêu cực, lợi ích nhóm ở Eximbank
Trước bối cảnh hỗn loạn ở Eximbank buộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, trực thuộc NHNN đã ngay lập tức có văn bản yêu cầu, Chủ tịch và các thành viên HĐQT Eximbank nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo qui định của Luật Các tổ chức tín dụng, pháp luật có liên quan và Điều lệ Eximbank một cách trung thực, cẩn trọng, vì lợi ích cao nhất của ngân hàng và cổ đông. Chủ tịch, thành viên HĐQT Eximbank, Tổng giám đốc chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật và trước Thống đốc NHNN về quản trị, điều hành, an toàn hoạt động của Eximbank, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng tiêu cực, lợi ích nhóm.
Theo quan điểm của một chuyên gia phân tích tài chính, Eximbank là một công ty đại chúng và cơ chế mở về sở hữu. Nhà đầu tư gom cổ phần, liên kết tạo thành nhóm là bình thường. Đến một mức độ cho phép, sự liên kết này sẽ trở thành sức mạnh để được quyền đòi hỏi quyền lợi. Đó là cử đại diện vào tham gia quản lý điều hành. Tuy nhiên, để xử lý tình trạng sở hữu chéo đã đến lúc cơ quan chức năng cần kiểm tra dòng tiền đầu tư cổ phiếu Eximbank của các nhóm cổ đông lớn trong thời gian qua, bởi vì khi đấu tranh căng thẳng và quyết liệt giữa các nhóm cổ đông, để củng cố quyền lợi họ sẽ phải gia tăng tỉ lệ sở hữu và từ đó hoạt động vay mượn phát sinh, rồi cả cầm cố, ủy quyền…
Và sau tất cả, dường như điều quan trong nhất đang được bỏ quên, đó chính là làm thế nào để vực dậy hoạt động kinh doanh của ngân hàng và mang lại lợi ích cao nhất cho các cổ đông. Bởi đây vẫn là một ngân hàng tiềm lực tài chính mạnh, uy tín và vị thế cạnh tranh cao trên thị trường.