Reuters trích dẫn các nguồn thạo tin cho biết, gã khổng lồ toàn cầu Reliance Industries của Ấn Độ và Công ty Rosneft của Nga đã ký hợp đồng 1 năm cung cấp 3 triệu thùng dầu/tháng và thanh toán bằng đồng rúp.
Reliance Industries được cho là sẽ mua hai lô hàng dầu thô Urals, với tùy chọn mua thêm bốn lô hàng mỗi tháng, chiết khấu 3 USD/thùng so với giá dầu chuẩn Dubai.
Nguồn tin cho biết, nhà điều hành tổ hợp lọc dầu lớn nhất thế giới, đặt tại Jamnagar, cũng dự kiến sẽ mua tối đa hai lô hàng dầu thô có hàm lượng lưu huỳnh thấp mỗi tháng với giá thấp hơn 1 USD/thùng so với báo giá của Dubai.
Tập đoàn đa quốc gia có trụ sở tại Mumbai đã đồng ý thanh toán tiền mua dầu của Nga bằng đồng rúp. Các nguồn tin cho biết, Ngân hàng HDFC của Ấn Độ và Gazprombank của Nga sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch.
Ấn Độ – nước tiêu thụ dầu lớn thứ ba thế giới – đã trở thành nhà nhập khẩu dầu thô lớn của Nga kể từ khi các khách hàng phương Tây giảm mua do các lệnh trừng phạt Nga vì chiến dịch quân sự ở Ukraina.
Các nhà xuất khẩu Nga bắt đầu đưa ra mức chiết khấu đáng kể để thu hút các thị trường mới sau khi nước này mất đi các đối tác thương mại trước đây.
Kể từ khi Mátxcơva bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraina, EU, G7 và các đồng minh đã áp đặt nhiều lệnh trừng phạt Nga nhằm hạn chế nguồn thu từ dầu mỏ của nước này, bao gồm lệnh cấm vận và giá trần 60 USD/thùng đối với dầu thô của Nga. Những hạn chế tương tự cũng áp dụng với các sản phẩm dầu mỏ xuất khẩu của Nga.
Đầu tháng này, Ngân hàng Baroda của Ấn Độ cho hay, nhập khẩu dầu Nga của nước này đã tăng 10 lần trong năm 2023, đồng thời tiết lộ quốc gia Nam Á này đã tiết kiệm được gần 5 tỉ USD nhờ tăng cường mua dầu thô từ Nga.
Nga trở thành nhà cung cấp dầu lớn nhất cho Ấn Độ trong năm tài chính 2023-2024, năm thứ hai liên tiếp, vượt qua Iraq, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
Nga chuyển từ sử dụng đồng USD sang các loại tiền tệ địa phương – bao gồm đồng rúp, đồng rupee của Ấn Độ, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc và đồng dirham của UAE – trong các hoạt động thanh toán xuyên biên giới với các đối tác của mình.
Đây là nỗ lực của Nga nhằm tìm ra những cách khác để tạo thuận lợi cho thương mại trong bối cảnh phương Tây cắt đứt quan hệ thương mại và loại Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.