Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho rằng không nên đánh đồng gạo 5% tấm của Việt Nam và Ấn Độ.
Giá lúa giảm sau động thái của Ấn Độ
Ngày 16-10, ông Nguyễn Thành Nhơn – ngụ xã Vĩnh Khánh, huyện Thoại Sơn, tinh An Giang – cho biết khoảng nửa tháng nữa gia đình ông sẽ thu hoạch 5ha lúa OM380. Giá lúa hiện nay dao động 6.900-7.000 đồng/kg lúa tươi. Nếu so với cùng kỳ, giá lúa đã giảm hơn 1.800 đồng/kg.
Theo ông Nhơn, sau khi Ấn Độ mở cửa xuất khẩu gạo trở lại thì giá lúa hiện nay đã giảm hơn 300-400 đồng/kg lúa tươi. Ông mong rằng giá lúa sắp tới sẽ tăng trở lại, vì hiện nay thời tiết không thuận lợi nên nông dân tốn chi phí sản xuất lúa nhiều hơn cùng kỳ.
“Hiện bà con nông dân sản xuất lúa thu đông với chi phí khoảng 3,5 triệu đồng/công lúa. Nếu giá lúa từ 7.000 đồng/kg và năng suất trên 700kg/công thì nông dân có lợi nhuận, còn giá lúa dưới 7.000 đồng/kg và năng suất giảm thì nông dân huề vốn hoặc thua lỗ”, ông Nhơn phân tích.
Chủ một doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại Đồng Tháp cho hay việc Ấn Độ mở cửa xuất khẩu gạo đã làm ảnh hưởng lớn đến gạo 5% tấm và phụ phẩm gạo cấp thấp. Dù lúc này giảm nhẹ nhưng dự báo đến vụ lúa đông xuân sắp tới thì gạo 5% tấm sẽ rớt mạnh.
“Hiện nay Ấn Độ chào giá 480 USD/tấn đối với gạo 5% tấm, còn gạo Việt Nam chào giá từ 530-540 USD/tấn và phụ phẩm của mình trên 500 USD/tấn nên khó cạnh tranh với họ. Do đó sắp tới gạo 5% tấm và phụ phẩm gạo này sẽ giảm nữa”, vị này nói.
Doanh nghiệp này cho rằng giá lúa sẽ giảm vài trăm đồng/kg, còn đông xuân thì Việt Nam vào vụ lúa lớn nhất trong năm nên có khả năng sẽ giảm mạnh hơn nữa, do lượng cung cao hơn cầu nên doanh nghiệp sẽ mua lúa chậm lại.
Do đó, Chính phủ cần có chính sách thu mua tạm trữ để phân bổ cho các kho sẽ hợp lý hơn. Còn các doanh nghiệp tự bơi như hiện nay thì sẽ cân đối tài chính, rồi buộc lòng bán ra dù rẻ hay mắc nếu giá lúa biến động mạnh.
“Các doanh nghiệp đều có hạn về tài chính nên đa phần đều giữ trong kho khoảng 7-10 ngày là phải bán lúa ra. Vì vậy các doanh nghiệp cần tiếp cận lãi suất thấp, vốn vay ưu đãi. Những chương trình này nên được áp dụng vào mùa vụ đông xuân tới sẽ thiết thực hơn, hiệu quả hơn là chúng ta can thiệp vào giá cả. Nếu chúng ta bỏ doanh nghiệp tự bơi vậy thì nước ngoài nhìn vào Việt Nam sẽ tìm cách hạ giá lúa gạo Việt Nam”, chủ doanh nghiệp Đồng Tháp nói.
Gạo 5% tấm Việt Nam có bị ảnh hưởng?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Thái Bình – chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ) – khẳng định việc Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo chắc chắn ảnh hưởng đến xuất khẩu gạo. Vì nguồn cung gạo sẽ dồi dào hơn, tuy nhiên không nên so sánh gạo 5% tấm của Việt Nam với gạo Ấn Độ.
Tên gạo 5% tấm của Việt Nam và Ấn Độ thì giống nhau nhưng chất lượng 5% tấm của Việt Nam hoàn toàn khác so với 5% tấm của Ấn Độ, Pakistan. Vì gạo 5% tấm của Việt Nam ngon, tươi, mới và hợp khẩu vị để dùng cho người dân ăn, còn gạo 5% tấm của Ấn Độ là hàng tồn kho nên các nước chỉ nhập khẩu về làm nguyên liệu chế biến thực phẩm. Thậm chí Việt Nam cũng nhập gần cả tỉ USD để chế biến bún, bánh các loại…
“Các thị trường truyền thống của chúng ta như Philippines, Indonesia không thể nhập gạo 5% tấm của Ấn Độ thay thế gạo 5% tấm của Việt Nam được. Vì phẩm chất gạo Ấn Độ khác hoàn toàn gạo Việt Nam. Do đó gạo Việt Nam ít bị ảnh hưởng, còn gạo thơm, gạo ST của Việt Nam hiện nay đang tăng, không có hàng”, ông Bình nói.
Ông Bình dự báo giá lúa sắp tới chắc chắn bị ảnh hưởng, nhưng không ảnh hưởng gì đến xuất khẩu gạo của Việt Nam. Vì phân khúc gạo của Việt Nam tập trung vào gạo chất lượng cao, gạo hạt dài có giá trị cao hơn.