Theo Cục Hàng không Việt Nam, từ ngày 30-8 đến 3-9, các hãng sẽ khai thác 4.257 chuyến bay, bình quân 840 chuyến/ngày, tăng 3% so với tuần trước nghỉ lễ và tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, số chuyến bay nội địa bình quân là 600 chuyến/ngày, quốc tế 241 chuyến/ngày, tương ứng tăng 5% và giảm 2% so với tuần trước nghỉ lễ.
Bay nội địa vào cao điểm
Dù số lượng chuyến bay tăng, nhưng theo khảo sát trên các website của các hãng hàng không vào ngày 24-8, giá vé máy bay dịp lễ 2-9 tăng cao, đặc biệt là các tuyến phổ biến như Hà Nội – TP.HCM, Hà Nội – Đà Nẵng và Hà Nội – Phú Quốc, với mức tăng từ 20-30% so với ngày thường, thậm chí tăng cao hơn trong các khung giờ đẹp, sát kỳ nghỉ lễ.
Chẳng hạn với chặng Hà Nội – TP.HCM, giá vé máy bay khứ hồi hạng phổ thông của Vietnam Airlines từ 2,1 – 3,7 triệu đồng, giá vé Vietjet chỉ thấp hơn khoảng 200.000 – 300.000 đồng. Bamboo Airways và Vietravel Airlines có giá vé từ 2,4 – 3,5 triệu đồng/vé khứ hồi. Riêng chặng Hà Nội – Phú Quốc có giá vé cao hơn, dao động từ 3,4 – 6 triệu đồng/vé khứ hồi.
Trong khi đó giá vé quốc tế lại không có nhiều biến động. Ví dụ, giá vé khứ hồi từ Hà Nội đến Bangkok từ 3,5 – 5 triệu đồng, tương đương với mùa hè và dịp lễ 30-4. Các tuyến bay từ Việt Nam đến Hàn Quốc và Nhật Bản cũng ổn định, dao động từ 7 – 12 triệu đồng/vé khứ hồi.
Anh Minh Sơn, giám đốc một đại lý bán vé máy bay tại TP.HCM, nhìn nhận lễ ngắn ngày, nhu cầu du lịch quốc tế không tăng đột biến nên giá vé quốc tế ổn định hơn so với thị trường nội địa, chưa kể các điểm đến quốc tế không tập trung nhiều vào thời gian này như trong mùa hè.
Dù hàng không vẫn là lựa chọn hàng đầu cho các chuyến đi xa, nhưng với giá vé bay tăng cao, nhiều hành khách đã quyết định chuyển hướng sang các phương án di chuyển khác. “Tôi dự định đưa gia đình đi Nha Trang dịp lễ, nhưng giá vé máy bay khứ hồi mỗi người 2,9 – 3 triệu đồng nên tôi phải chọn đi xe khách hoặc thuê xe tự lái để tiết kiệm chi phí” – chị Mỹ Chi, nhân viên văn phòng tại TP.HCM, cho biết.
Cho thuê tự lái đắt khách
Việc di chuyển bằng ô tô hoặc xe khách qua các tuyến cao tốc giờ đây trở nên thuận tiện hơn nhờ vào sự phát triển mạnh mẽ của hạ tầng đường bộ. Các tuyến cao tốc mới như TP.HCM – Phan Thiết, Hà Nội – Hải Phòng hay Hà Nội – Lào Cai giúp rút ngắn thời gian di chuyển đáng kể. Từ TP.HCM đến Phan Thiết hiện chỉ mất 2-3 giờ thay vì 5-6 giờ như trước, khiến đường bộ trở thành lựa chọn tiết kiệm và linh hoạt hơn.
Anh Thanh Bình (Bình Thạnh, TP.HCM) dự tính thay đổi lịch gia đình đi chơi Phan Thiết sang đi cắm trại ở Đồng Nai để để tránh kẹt xe. “Chúng tôi chọn khởi hành vào giữa kỳ nghỉ để tránh ùn tắc và chỉ mất 2 tiếng để đến nơi thay vì chạy đến nơi rất đông khách đi chơi cùng lúc”, anh Bình nói.
Do nhu cầu đi lại bằng đường bộ tăng, theo ghi nhận, giá thuê xe tự lái tại TP.HCM dịp lễ 2-9 tăng khoảng 20% so với ngày thường, với mức tăng từ 200.000 – 500.000 đồng/xe tùy mẫu. Ví dụ, Honda City tăng từ 800.000 đồng lên 1,1 triệu đồng/ngày, Toyota Vios từ 750.000 đồng lên 1 triệu đồng, Mazda CX-5 từ 1,2 – 1,6 triệu đồng.
Các dòng xe sang như Mercedes C200 và Toyota Camry cũng tăng nhẹ nhưng vẫn xảy ra tình trạng “cháy hàng”, đặc biệt với các dòng xe gầm cao như Toyota Fortuner và Honda CR-V, yêu cầu đặt trước cả tháng. Dù vậy, chủ cửa hàng cho biết nhu cầu thuê xe năm nay giảm hơn năm trước do kinh tế khó khăn, chưa kể VinFast ra mắt dịch vụ cho thuê xe điện nên khách có thêm lựa chọn.
Theo đại diện hãng xe khách Phương Trang, dù khách đang đặt chỗ online nhưng một số chặng vé không còn nhiều vào những ngày cao điểm. Do đó, hãng tăng cường thêm 70 xe khách, nâng số xe khai thác lên gần 1.600 đầu xe, đồng thời sẽ linh hoạt điều chuyển xe từ các tuyến ít khách sang các tuyến đông khách trong những ngày cao điểm.
Đường sắt cũng thu hút khách nhờ giá vé mềm hơn vé bay nhưng số lượng ghế trống còn nhiều ở chặng TP.HCM đi Nha Trang, Quy Nhơn, Tuy Hòa… Theo ghi nhận, tàu SE11 từ TP.HCM – Nha Trang ngày 30-8 đến 4-8, giá ngồi mềm điều hòa 380.000 đồng/khách; giường nằm 671.000 đồng/khách, rẻ một nửa so với vé máy bay.