Giai đoạn đầu, tàu khách tốc độ cao Bắc – Nam chạy 320km/h

Bộ Giao thông vận tải cho biết như vậy trong giải trình tiếp thu ý kiến của Hội đồng thẩm định Nhà nước về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam sau khi hội đồng có thông báo kết luật phiên họp lần thứ 2 (ngày 14-10).

Tiêu chuẩn của đường sắt tốc độ cao sẽ xác định trong nghiên cứu khả thi

Bộ Giao thông vận tải cho biết trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, tuyến có tốc độ thiết kế tàu khách 350km/h, tàu hàng 160km/h.

Kinh nghiệm thế giới cho thấy đối với các quốc gia có tuyến đường sắt mới đưa vào khai thác, tốc độ khai thác bằng khoảng 90% tốc độ thiết kế. Vì vậy, dự kiến trong giai đoạn đầu, tốc độ khai thác tối đa của tàu khách là 320km/h, tàu hàng là 120km/h. 

Trong quá trình khai thác, việc nâng tốc độ khai thác tối đa sẽ được tổng kết, đánh giá và thử nghiệm.

Để bảo đảm khai thác với tốc độ nêu trên, tư vấn sử dụng bán kính đường cong 6.500m và tính toán siêu cao theo tiêu chuẩn châu Âu DIN EN 13803:2017 (TCVN 13342:2012) cho thấy yêu cầu kỹ thuật của tuyến đường đáp ứng các điều kiện để khai thác an toàn.

Báo cáo chỉ sơ bộ đề xuất các thông số cơ bản về quy mô đầu tư các hạng mục như: khổ đường 1435mm, đường đôi, tốc độ thiết kế 350km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục.

Tuy nhiên, trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi có tham khảo hệ thống tiêu chuẩn châu Âu. 

Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải cũng đề xuất và Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành một số tiêu chuẩn đường sắt tốc độ cao được soạn thảo theo tiêu chuẩn châu Âu và đang tiếp tục lộ trình chuyển đổi hệ thống tiêu chuẩn này.

Có thể bổ sung thêm ga tại vị trí tiềm năng

Về hướng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, Bộ Giao thông vận tải cho biết năm 2018 đã xây dựng 3 phương án và đã được 20/20 tỉnh, thành phố có tuyến đường sắt tốc độ cao đi qua thống nhất trên nguyên tắc thẳng nhất có thể.

Sau đó, có 2 địa phương kiến nghị điều chỉnh một số vị trí, tư vấn tiếp thu và rà soát chiều dài toàn tuyến giảm từ 1.545km xuống còn 1.541km.

Hướng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam đã được nghiên cứu theo nguyên tắc “thẳng nhất có thể”, các đường cong đều được kiểm toán bảo đảm yêu cầu về an toàn, êm thuận cho hành khách. Trong bước nghiên cứu khả thi dự án, bộ sẽ chỉ đạo tư vấn rà soát hướng tuyến tối ưu nhất.

Về vị trí ga, Bộ Giao thông vận tải cho biết toàn tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam bố trí 23 ga hành khách và 5 ga hàng hóa. 

Tiếp thu ý kiến Hội đồng thẩm định Nhà nước, trong bước lập báo cáo nghiên cứu khả thi sẽ xem xét các vị trí ga tiềm năng như: Nghi Sơn, Chân Mây, La Gi, Cam Lâm. Các ga này được bổ sung khi địa phương hình thành và phát triển các đô thị có quy mô dân số và có nhu cầu vận tải đủ lớn; khoảng cách giữa các ga bảo đảm yêu cầu kỹ thuật khai thác. Lúc đó, sẽ giao cho địa phương chủ trì kêu gọi đầu tư các khu ga theo phương thức PPP.

Về quy mô nhà ga, trong báo cáo tiền khả thi xác định mỗi vị trí ga hành khách đều quy hoạch không gian phát triển từ 250 – 300ha gồm 3 khu chức năng: khu trực tiếp phục vụ đón, tiễn khách, bãi đỗ xe có diện tích 6 – 8ha tương đồng với quy mô nhà ga 4 đường của các tuyến đường sắt tại Trung Quốc, Indonesia, Hàn Quốc, Nhật Bản…; khu vực dịch vụ, thương mại có diện tích từ 10 – 15ha; khu vực đô thị dịch vụ có diện tích 250 – 300ha.

Theo Bộ Giao thông vận tải trong bước lập báo cáo nghiên cứu khả thi sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu đề xuất vị trí, quy mô cụ thể các nhà ga phù hợp đảm bảo đáp ứng đủ các yêu cầu: nhà ga trung tâm, quảng trường ga và các công trình kết nối đa phương thức.

TUẤN PHÙNG

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *