Côn đồ nhí giải quyết mâu thuẫn bằng hung khí
Công an huyện Mê Linh, Hà Nội thông tin, đã ra quyết định khởi tố vụ án, tạm giam Nguyễn Công Nghiệp (16 tuổi) cùng 6 đối tượng khác về hành vi “Gây rối trật tự công cộng”. Đây là nhóm đối tượng ngông nghênh đi xe dàn hàng ba, hàng bốn, chạy lạng lách, đánh võng, bóp còi inh ỏi, đi với tốc độ cao, cầm theo nhiều hung khí như: tuýp sắt gắn dao, đao, kiếm, dao quắm, gậy bóng chày, vỏ chai thủy tinh…
Nguyên nhân được cảnh sát xác định, Nghiệp có mâu thuẫn với một thanh niên 18 tuổi cùng huyện Mê Linh nên gọi nhóm bạn hơn 20 người đi 12 xe máy, mang theo hung khí để tìm đối thủ. Khi gặp nhóm đối thủ, Nghiệp và bạn khiêu chiến rồi sau đó bỏ đi. Trên đường về, nhóm này tiếp tục đi xe hàng ba, hàng bốn, lạng lách đánh võng, đi với tốc độ cao, bóp còi xe inh ỏi để tạo thanh thế. Cơ quan công an đã triệu tập Nghiệp và các đối tượng liên quan và làm rõ hành vi gây rối trật tự công cộng.
Trước đó, tại địa bàn quận Long Biên, Hà Nội cũng xuất hiện nhóm đối tượng thiếu niên thường xuyên mang tuýp sắt có gắn dao phóng lợn điều khiển xe máy đi dàn hàng ngang trên đường, gây mất an ninh trật tự.
Quá trình rà soát, cơ quan Công an phát hiện 2 nhóm thanh niên khoảng 80 người, di chuyển trên xe máy, có mang tuýp sắt gắn dao phóng lợn để đánh nhau tại đường Nguyễn Văn Linh, thuộc phường Phúc Đồng, quận Long Biên.
Ngay khi phát hiện, tổ công tác đã yêu cầu các đối tượng dừng xe để kiểm tra. Khi thấy tổ công tác làm nhiệm vụ, các đối tượng phóng xe bỏ chạy với tốc độ cao, vứt bỏ hung khí để trốn thoát. Các đơn vị nghiệp vụ đã khống chế, bắt giữ 15 đối tượng vi phạm, đưa về trụ sở để xử lý.
Bước đầu, cơ quan điều tra làm rõ, Nguyễn Thị Hà Oanh (16 tuổi, trú tại xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội) xảy ra mâu thuẫn trên mạng xã hội với Nguyễn Duy Vũ (17 tuổi) rồi hẹn đánh nhau. Qua mạng xã hội, hai nhóm đã rủ theo nhiều đối tượng tham gia. Điều tra làm rõ, Công an quận Long Biên, Hà Nội đã khởi tố 8 đối tượng về hành vi “Gây rối trật tự công cộng”.
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát Hình sự Hà Nội, trong 10 tháng năm 2022, cơ quan chức năng đã khám phá 38 vụ với 600 đối tượng có liên quan đến hành vi đi xe máy thành đoàn, chạy tốc độ cao, lạng lách, đánh võng, mang theo hung khí gây rối trật tự công cộng… Kết quả, xử lý hình sự 397 đối tượng, xử phạt hành chính 62 trường hợp và có tới 141 đối tượng không xử lý vì chưa đủ tuổi truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trước tình trạng trên, vừa qua Giám đốc Công an Hà Nội đã ban hành Kế hoạch phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến người chưa thành niên trên địa bàn.
Cần phải được nghiêm trị
Trung tá Tống Đăng Công – Đội trưởng Đội Cảnh sát Hình sự Công an quận Hoàn Kiếm, Hà Nội – cho biết, hầu hết đối tượng đều là thanh thiếu niên bỏ học, ham chơi, đua đòi. Nếu như không được ngăn chặn kịp thời, nguy cơ các đối tượng tiếp tục có những hành vi khác với hậu quả khó có thể biết trước được.
Dưới góc nhìn chuyên gia tội phạm học (Bộ Công an), Thượng tá, tiến sĩ Đào Trung Hiếu cho hay, tình trạng trên phản ánh một vấn đề nhận thức pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật rất hạn chế, có sự đua đòi, bốc đồng thể hiện mình bằng hành vi đi ngược lại chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
Số đối tượng này có thể xuất thân, sinh trưởng trong gia đình mà bố mẹ thiếu sự quan tâm đến con cái, có sự đua đòi. Các đối tượng khi tham gia vào các nhóm như thế này trước đó thường sử dụng chất kích thích có thể là rượu, bia hoặc ma tuý nên tạo ra sự hưng phấn, bốc đồng.
Đây là những hành vi gây rối diễn ra công khai ở trên đường, ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý người dân và ảnh hưởng tới an ninh trật tự. Chính vì vậy, tất cả những hành vi này cần phải được nghiêm trị.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Hà Thị Khuyên – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, qua các vụ việc trên, thể hiện hành vi đó là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, việc xử lý tội phạm là người chưa thành niên phạm tội được áp dụng một chính sách riêng, các hình phạt được áp dụng với người chưa thành niên phạm tội gồm cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn.
Hình phạt được áp dụng theo hướng tạo điều kiện để người phạm tội là người chưa thành niên có cơ hội cải tạo, sửa sai; chế tài mang tính giáo dục là chính, áp dụng nguyên tắc xử lý riêng đối với người dưới 18 tuổi quy định tại Điều 91 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải căn cứ vào độ tuổi, khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm – luật sư nói.