Giảm ít nhất 1% lãi vay khi tham gia chuỗi liên kết 1 triệu ha lúa chất lượng cao

Ngày 7-11, tại Đồng Tháp, Ngân hàng Nhà nước chủ trì tổ chức hội nghị triển khai chương trình tín dụng ưu đãi thực hiện đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Đào Minh Tú, phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, nhấn mạnh lúa gạo là một trong những ngành nông sản xuất khẩu chủ lực của nước ta.

Nhằm mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia tiên phong trong sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp, năm 2023 Thủ tướng đã ban hành quyết định 1490 phê duyệt đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”.

Lãi vay giảm ít nhất 1%/năm so với cho vay thông thường

Triển khai đề án này, ông Tú cho biết Ngân hàng Nhà nước đã ban hành cơ chế, chính sách chương trình cho vay ưu đãi để các ngân hàng, trong đó Agribank là chủ lực triển khai cho vay.

“Chương trình tín dụng có tính chất ưu đãi nên lãi suất cho vay giảm tối thiểu 1%, nếu được 2-3%/năm so với cho vay thông thường. Ngoài việc được giảm lãi suất cho vay, các đối tượng còn được vay theo hạn mức phù hợp với quy mô sản xuất và thời gian vay phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh.

Các doanh nghiệp đầu tư trung dài hạn sẽ được tiếp cận vốn dài hạn. Không ngần ngại gì mà không cho vay trung dài hạn” – ông Tú nhấn mạnh và đơn cử trường hợp doanh nghiệp muốn vay 1.000 tỉ đồng cần vốn trung dài hạn để đầu tư nhà xưởng, kho bãi thì nhiều ngân hàng có thể cùng tham gia cho vay.

Đặc biệt, khi tham gia chuỗi liên kết này, theo ông Tú, khách vay có thể không phải sử dụng tài sản đảm bảo như nhà cửa, tài sản để thế chấp như vay thông thường. Bởi tham gia chuỗi sản xuất này, ngân hàng kiểm soát được dòng tiền. Đây là điều kiện rất quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho khách vay.

Đề xuất vay vốn trung dài hạn cho 1 triệu ha lúa chất lượng cao

Tại hội nghị, các doanh nghiệp đang tham gia đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp cho biết người trồng lúa, hợp tác xã và doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết từ trồng trọt, thu mua, xuất khẩu lúa đều được hưởng lợi. Cụ thể, ông Trần Trương Tấn Tài – tổng giám đốc Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam – cho biết chi phí sản xuất lúa thấp, giá bán lúa cao hơn 1.000 đồng/kg lúa trồng theo cách thông thường.

Là hộ nông dân sau hơn 1 năm trồng lúa sạch, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Võ Thanh Hải, ấp 4, xã Láng Biển, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp), cho biết lượng lúa giống sạ cho 1ha giảm còn 80kg thay cho 120kg như trước đây.

Ước tính tổng chi phí trước đây cho 1ha trồng lúa là 1,8 triệu đồng giờ còn 1,2 triệu đồng. Trong khi đó, năng suất trồng lúa cũng tăng lên. Với giá lúa hiện trên 8.000 đồng/kg thì lợi nhuận trồng lúa thuộc đề án này đạt lên 50% thay vì 30% sản xuất lúa truyền thống như lâu nay.

Ông Nguyễn Khắc Duy, phó giám đốc Công ty Chơn Chính (Đồng Tháp), cho biết lúa được kiểm soát dư lượng thuốc trừ sâu thì bán được vào thị trường châu Âu, Mỹ, giá tăng cao hơn 1.000 – 2.000 đồng/kg so với thông thường. Còn với doanh nghiệp, khi chất lượng lúa ổn định thì doanh nghiệp mạnh dạn ký đơn hàng xuất vào những thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Canada…

Tuy nhiên, để yên tâm làm ăn lớn là đầu tư kho bãi, thu mua, xuất khẩu lúa thuộc đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp, các doanh nghiệp có chung đề xuất các ngân hàng thương mại cho vay vốn trung và dài hạn.

Công ty TNHH Chơn Chính mong muốn vay thêm 150-200 tỉ đồng từ ngân hàng với lãi suất 4-5%/năm.

Số vốn này sẽ được dùng để thu mua lúa và nhất là nguồn vốn trung dài hạn cho mở rộng diện tích kho chứa lên gấp đôi 50.000 tấn so với hiện nay và hệ thống sấy tương đương công suất 1.000 tấn/ngày. Bởi đến thời điểm thu hoạch, sản lượng lúa được thu mua tập trung nhiều thì phải sấy nhằm đảm bảo chất lượng và số lượng lúa ổn định, đồng đều.

Về nhu cầu vốn của doanh nghiệp, bà Phùng Thị Bình, phó tổng giám đốc Agribank, cam kết đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn cho các khâu từ trồng trọt, thu mua, chế biến… của các đối tượng tham gia đề án. Hạn mức cho vay căn cứ vào nhu cầu của khách hàng.

“Lãi suất cho vay chuỗi liên kết này của Agribank sẽ thấp hơn tối thiểu 1%/năm so với cho vay thông thường. Như hiện tại, lãi suất cho vay ngắn hạn đang áp dụng 6%/năm thì khách vay phục vụ cho chương trình này sẽ được hưởng lãi suất là 5%/năm” – bà Bình nhấn mạnh.

LÊ THANH


ĐẶNG TUYẾT

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *