Ngoài tuyến đường cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột đã được triển khai trên thực địa, nhiều tuyến cao tốc quan trọng khác kết nối khu vực Tây Nguyên vẫn chỉ là quy hoạch hoặc mới thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư như Chơn Thành – Gia Nghĩa, Dầu Giây – Liên Khương, Quy Nhơn – Pleiku…
Hàng loạt dự án cao tốc trên… giấy
Bên cạnh các dự án phía Nam, tại khu vực bắc Tây Nguyên, một số dự án cao tốc kết nối miền Trung đã được quy hoạch như cao tốc Bắc – Nam phía tây đoạn Ngọc Hồi – Kon Tum – Pleiku, cao tốc Đà Nẵng – Thạnh Mỹ – Ngọc Hồi – Bờ Y. Các tuyến cao tốc mới ở bước quy hoạch, chưa được bố trí kinh phí đầu tư.
Trong văn bản vừa được gửi đến Bộ GTVT, hai tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk đề nghị xem xét triển khai đường cao tốc Bắc – Nam phía tây, trong đó quan tâm triển khai sớm một số đoạn tuyến trước năm 2030 như tuyến Ngọc Hồi – Pleiku, tuyến Pleiku – Buôn Ma Thuột.
Theo các địa phương này, việc ưu tiên đầu tư các tuyến cao tốc nêu trên trước năm 2030 sẽ giúp mạng lưới giao thông Tây Nguyên hình thành trục vận tải tốc độ cao kết nối khu vực phía tây và phía đông, tạo liên kết vùng Tây Nguyên với duyên hải miền Trung và Đông Nam Bộ.
Tuy nhiên, Bộ GTVT cho rằng để có cơ sở nghiên cứu đầu tư sẽ kiến nghị cấp thẩm quyền đối với các dự án quy hoạch đầu tư sau năm 2030. Theo đó, trường hợp địa phương có nhu cầu đầu tư phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và huy động được nguồn lực, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho đầu tư sớm.
Đến nay, Bộ GTVT đã thực hiện điều chỉnh, cập nhật quy hoạch mạng lưới đường bộ theo Quy hoạch tổng thể quốc gia. Theo đó, các tuyến cao tốc trên phân kỳ thực hiện giai đoạn 2031-2050.
Nói về khả năng địa phương tự thu xếp, kêu gọi nguồn vốn để xin Thủ tướng chấp thuận đầu tư sớm các đoạn tuyến này, một lãnh đạo UBND tỉnh Gia Lai cho rằng đó là việc bất khả thi trong điều kiện hiện nay. Do đó, các dự án cần vốn lớn cần thiết phải có nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ.
Khó huy động nguồn vốn tư nhân
Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Kon Tum cho rằng nội lực của địa phương dành cho công tác đầu tư xây dựng các dự án giao thông còn hạn chế. “Việc huy động vốn theo hình thức đối tác công tư (PPP) và các nguồn vốn hợp pháp gần như không có, phải trông chờ hoàn toàn vào nguồn vốn hỗ trợ của trung ương”, vị này thừa nhận.
Trong thực tế, tuyến ưu tiên là cao tốc Quy Nhơn – Pleiku cũng đang được điều chỉnh phương thức đầu tư vì không có nhà đầu tư quan tâm. Theo một lãnh đạo UBND tỉnh Gia Lai, trước đây dự án phê duyệt hình thức đầu tư là đối tác công tư (PPP), nhưng do suất đầu tư lớn, khả năng thu hồi vốn chậm nên không có nhà đầu tư vào nên hiện nghiên cứu sang hình thức đầu tư công.
“Nếu được đầu tư sớm, tuyến đường này sẽ là đột phá hạ tầng, giúp rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa và hành khách từ Pleiku xuống Bình Định còn một nửa so với hiện nay. Từ đó giúp sản phẩm sản xuất tại Tây Nguyên giảm giá thành, tăng khả năng cạnh tranh với các vùng miền khác”, vị này khẳng định.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đoàn Hữu Dũng – giám đốc Sở GTVT tỉnh Gia Lai – cho hay đặc thù Tây Nguyên phụ thuộc chủ yếu vào giao thông đường bộ. Do đó, việc phát triển hạ tầng giao thông là chiến lược để phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng cho khu vực.
“Để khu vực này có bước phát triển mạnh mẽ, thời gian tới phải phát triển được tuyến cao tốc là cao tốc Bắc – Nam phía tây đi dọc đường Hồ Chí Minh kết nối Tây Nguyên với Đông Nam Bộ. Đồng thời khẩn trương đầu tư cao tốc Quy Nhơn – Pleiku kết nối Tây Nguyên và duyên hải miền Trung”, ông Dũng nói.