Trong đó, theo tiêu chí xếp hạng của FTSE Russell, Việt Nam hiện có hai vấn đề cốt lõi cần tháo gỡ là yêu cầu ký quỹ trước giao dịch và giới hạn sở hữu nước ngoài. Còn theo khung phân loại xếp hạng của MSCI với năm nhóm tiêu chí về khả năng tiếp cận thị trường (Market Accessibility) cho thấy Việt Nam còn phải nỗ lực nhiều hơn.
“Kẹt” với ký quỹ trước giao dịch
Nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) không biết room ngoại cụ thể của doanh nghiệp là bao nhiêu nên khó đưa ra quyết định đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Đây là một thực tế cần phải sớm được tháo gỡ.
Theo quy định tại Nghị định 155/2020/NĐ-CP của Chính phủ cho thấy, tỉ lệ sở hữu nước ngoài tại Việt Nam được thực hiện theo 4 tiêu chí, gồm: Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; quy định pháp luật của từng ngành nghề cụ thể; quy định tại danh mục các ngành nghề hạn chế tiếp cận thị trường với nhà đầu tư nước ngoài, trường hợp không quy định cụ thể thì tỉ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại công ty là 50% vốn điều lệ; các trường hợp khác thì tỉ lệ sở hữu nước ngoài là không hạn chế. Còn với các công ty hoạt động đa ngành, nghề, có quy định khác nhau về tỉ lệ sở hữu nước ngoài, thì sẽ không vượt quá mức thấp nhất trong các quy định.
Nhiều ý kiến cho rằng, cần thay đổi các quy định với từng ngành nghề, rà soát lại danh mục những ngành nghề hạn chế tiếp cận thị trường với nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, việc rà soát danh mục ngành nghề không hề đơn giản. Lý do là bởi hiện có tới 25 ngành nghề chưa được tiếp cận thị trường và 59 ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài, theo Luật Đầu tư và Nghị định 31/2021 của Chính phủ.
Trong khi trên thực tế, giấy phép hoạt động của doanh nghiệp hiện có rất nhiều ngành nghề, trong đó mỗi ngành lại có quy định về tỉ lệ sở hữu nước ngoài khác nhau, dẫn đến khó khăn khi soi chiếu.
Phát triển thị trường chứng khoán lành mạnh, hoạt động hiệu quả
Vào tháng 4.2024, tại Hội thảo “Giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam” do Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính) tổ chức tại Hà Nội, đại diện Ban Phát triển thị trường tài chính, Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính) cho rằng, thực tiễn tại một số quốc gia cho thấy, việc nâng hạng thị trường chứng khoán không phải lúc nào cũng mang lại tác động tích cực.
Việc các nhà đầu tư quốc tế rút vốn trong nhiều trường hợp không phải từ nguyên nhân nội tại của thị trường mà từ sự biến động của thị trường quốc tế.
Thực tế, tính dẫn dắt của dòng vốn ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam được thể hiện rõ nét dù dòng vốn này không chiếm tỉ trọng lớn. Do vậy, việc dòng vốn ngoại rút mạnh có thể gây ra tâm lý tiêu cực đối với thị trường, tạo hiệu ứng bán ra mạnh, khiến thị trường sụt giảm ở mức khó kiểm soát. Giải pháp cho vấn đề này cũng đáng phải quan tâm.
Ban Phát triển thị trường tài chính, Viện Chiến lược và chính sách tài chính khuyến nghị về lâu dài, cần thiết phải duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, củng cố nền tài chính quốc gia để duy trì và thu hút dòng vốn đầu tư mới; cần phát triển thị trường chứng khoán lành mạnh, hoạt động hiệu quả, theo thông lệ quốc tế; cần thường xuyên theo dõi, đánh giá nguy cơ tăng trưởng nóng và nguy cơ đảo chiều dòng vốn trên TTCK để có các kịch bản ứng phó kịp thời.
Bên cạnh đó, cần nâng cao khả năng chống chịu của TTCK trước các cú sốc bên ngoài…