Như Lao Động đã thông tin, gói thầu 5.10 thuộc giai đoạn I của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành vẫn đang trong giai đoạn chấm thầu với nhiều thông tin được bảo mật. Cả 3 liên danh tham gia nộp hồ sơ đấu thầu đều có kinh nghiệm về cơ sở hạ tầng và xây dựng các sân bay quốc tế lớn.
Trong đó, liên danh Hoa Lư gồm một số công ty xây dựng hàng đầu trong nước như Coteccons, Xây dựng Hòa Bình, Delta và Unicons, Powerline Engineering PCL từ Thái Lan. Liên danh Nhà thầu CHEC-BCEG-Việt Nam do hai nhà thầu xây dựng hàng đầu Trung Quốc đứng đầu. Liên doanh VIETUR do nhà thầu Thổ Nhĩ Kỳ đứng đầu, hợp sức với nhiều doanh nghiệp khác và hệ sinh thái của ông Nguyễn Bá Dương (Ricons, Newtecons và SOL E&C) tham gia.
Gói thầu 5.10 tương ứng với một khối lượng đơn đặt hàng tồn đọng khá hấp dẫn. Chứng khoán VietCap ước tính tổng lợi nhuận tối đa cho một nhà thầu tham gia sẽ rơi vào khoảng 525 tỉ đồng.
Tuy nhiên trong bối cảnh cạnh tranh giành khoản lợi nhuận “khủng” này, CTCP Đầu tư Xây dựng Ricons lại bất ngờ gửi đơn lên TAND TPHCM yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với CTCP Xây dựng Coteccons vì việc tranh chấp hợp đồng kinh tế. Điều này đẩy cổ phiếu CTD bị nhà đầu tư bán mạnh suốt 4 phiên vừa qua.
Trước diễn biến này, phía Coteccons nhanh chóng lên tiếng thừa nhận có phát sinh các khoản công nợ với Ricons. Tuy nhiên đây là những công nợ hình thành từ trước năm 2019, tức thời điểm cả hai còn nằm chung một hệ sinh thái liên quan ông Nguyễn Bá Dương.
Coteccons cho biết đến nay, công nợ chưa quyết toán xong vì vướng vấn đề xác định giá trị công nợ kèm những chứng từ đạt đủ điều kiện về pháp lý. Do đó, đề nghị nhà thầu xây dựng Ricons có tinh thần hợp tác, nhanh chóng cung cấp những chứng từ đạt đủ điều kiện pháp lý và xác định giá trị công nợ phát sinh giữa hai bên.
Đại diện của Coteccons cho biết: “Mặc dù có tranh chấp công nợ hợp đồng kinh tế sẽ được sớm giải quyết theo tinh thần thiện chí tại các trung tâm trọng tài nhưng Ricons thiếu sự hợp tác và đã gửi đơn kiện lên toà án với tuyên bố yêu cầu phá sản. Đây là một hành động mà chúng tôi cho rằng không phải ngẫu nhiên lại được thúc đẩy để diễn ra vào thời điểm này”.
Theo báo cáo tài chính quý I, cơ cấu nợ ngắn hạn của Coteccons ghi nhận phải trả người bán ngắn hạn là 3.976 tỉ đồng, trong đó phải trả Ricons 322 tỉ đồng, nhích nhẹ so với con số đầu năm.
3.653 tỉ đồng phải trả người bán ngắn hạn còn lại không được thuyết minh chi tiết. Đồng thời, khoản đầu tư góp vốn vào đơn vị khác của Coteccons cũng ghi nhận góp 301 tỉ đồng vào CTCP Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Ricons, tương ứng tỉ lệ sở hữu 14,30%.
Còn tại báo cáo tài chính quý I/2023 của Ricons không thuyết minh chi tiết về các công nợ phải trả – phải thu với Coteccons.