Báo cáo tài chính quý 3.2020 của Công ty CP Rượu và Nước Giải khát Hà Nội (Halico) cho thấy, doanh nghiệp tiếp tục chịu thua lỗ.
Doanh thu của doanh nghiệp đạt 25,8 tỉ đồng, giảm 1,43 tỉ đồng so với cùng kỳ, các khoản giảm trừ doanh thu giảm 0,69 tỉ đồng.
Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp âm 5,53 tỉ đồng, giảm 55,77% so với cùng kỳ. Nguyên nhân được cho là do doanh thu giảm, giá vốn quý 3.2020 cũng giảm so với cùng kỳ. Trong khi đó, doanh thu tài chính từ tiến gửi quý 3.2020 tăng 0,43 tỉ so với cùng kỳ. Chi phí bán hàng quý 3.2020 cũng giảm so với cùng kỳ 4.05 tỉ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 1,17 tỉ đồng so với cùng kỳ 2019.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2020, doanh nghiệp đã lỗ 20,6 tỉ đồng, giảm so với năm 2019 là 56 tỉ đồng.
Tình trạng thua lỗ kinh doanh thua lỗ của Halico đã kéo dài trong nhiều năm nay. Năm 2019, sản lượng sản xuất của doanh nghiệp chỉ đạt 55,3% kế hoạch năm và bằng 38,9% so với thực hiện năm 2018. Sản lượng tiêu thụ năm 2019 cũng chỉ đạt 72,8% so với kế hoạch năm và bằng 90,5% so với năm 2018. Doanh thu bán hàng đạt 73,5% so với kế hoạch năm và chỉ bằng 91,8% so với năm 2018. Năm 2019, lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp âm 64,87 tỉ đồng, trong khi năm 2018, doanh nghiệp có lợi nhuận trước thuế âm 78,37 tỉ đồng. Doanh nghiệp đã có kế hoạch giảm lỗ xuống còn âm 59,69 tỉ đồng nhưng không thành công.
Điều này khiến cho nhiều người thấy tiếc nuối cho 1 thương hiệu đã tồn tại suốt 120 năm qua. Công ty CP Rượu và Nước Giải khát Hà Nội (Halico) tiền thân là nhà máy rượu Hà Nội do hãng rượu Fontaine của Pháp xây dựng từ năm 1898. Đây là nhà máy lớn nhất trong 5 nhà máy được xây dựng ở khu vực Đông Dương thời bấy giờ.
Thị hiếu và yêu cầu của người tiêu dùng đối với mặt hàng thực phẩm nói chung và mặt hàng rượu nói riêng ngày càng khắt khe về chất lượng sản phẩm, hình ảnh và bao bì mẫu mã… Xu hướng người tiêu dùng tự mang rượu đến các nhà hàng ngày càng lớn. Halico đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các hãng rượu khác và đặc biệt là đối mặt với tình trạng trốn lậu thuế, làm hàng gải, hàng nhái cảu các cơ sở tư nhân tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, công bằng.
Ngoài ra, Ban Giám đốc Halico nhận định nguyên nhân còn do hệ luỵ từ các chương trình bán hàng, hệ thống bán hàng trước đó có các tác động tiêu cực từ các năm trước chuyển sang mà chưa thể giải quyết dứt điểm được ngay, đặc biệt là vấn đề bán lẫn vùng lấn tuyến và bán phá giá…
Nhu cầu sản xuất ở mức thấp so với năng lực sản xuất của nhà máy dẫn tới không giảm được giá thành sản xuất, đồng thời trong năm 2019 Halico phải bố trí nghỉ ngừng việc lớn.
Trong giai đoạn 2011-2012, tập đoàn rượu lớn nhất thế giới Diageo đã chi ra gần 2.000 tỉ đồng để sở hữu 45,5% cổ phần Halico. Tưởng rằng, việc này sẽ giúp cho Halico vực dậy và lấy lại vị thế, song, ban giám đốc của Halico thừa nhận doanh nghiệp đã “chưa khai thác được thế mạnh trong việc hợp tác với đối tác Diageo trong việc gia công sản phẩm và tỏng việc sử dụng kênh phân phối của Diageo Việt Nam.”
Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu HNR của Halico lên giao dịch trên sàn Upcom từ 8.6.2018 với giá tham chiếu 31.900 đồng/cổ phiếu. Đến thời điểm này, cổ phiếu HNR chỉ còn 12.000 đồng và liên tục không có giao dịch khớp lệnh.