Công ty TNHH Tupperware Việt Nam được cấp giấy phép thành lập từ tháng 6-2013, do bà Đỗ Thị Linh Trang làm tổng giám đốc.
Trên trang cá nhân, bà Trang vừa chia sẻ dòng trạng thái “Lời tạm biệt từ Tupperware Việt Nam”.
Nhiều bạn bè, đối tác, người tiêu dùng tiếc nuối sau chia sẻ này của bà Trang: “Tupperware Việt Nam là một trong những nhãn hàng tốt nhất và để dấu ấn trong đời sống của khách hàng. Tupperware không chỉ là một nhãn hàng, đó còn là một lối sống. Vẫn yêu và dùng Tupperware mỗi ngày”, “Từ giờ trở đi em sẽ kiểm soát và giữ kỹ những sản phẩm Tupperware mà em đang có để làm kỷ niệm. 11 năm đáng nhớ của Tup tại Việt Nam”…
Bà Trang từ chối trả lời thêm về thông tin Tupperware Việt Nam ngừng hoạt động.
Tupperware Việt Nam thuộc Tupperware Brands Hoa Kỳ, thương hiệu sản phẩm chuyên dụng về lưu trữ và bảo quản thực phẩm. Hãng này bước vào thị trường với tâm thế sẽ trở thành “người bạn” của phụ nữ Việt Nam.
Theo website, hệ thống cửa hàng bán lẻ của Tupperware có mặt tại Việt Nam từ tháng 10-2016. Đến cuối năm 2019, hãng công bố mở cửa hàng thứ 100, ước tính 1 năm phát triển 35 cửa hàng.
Hôm qua, trên fanpage của hãng này cập nhật thông tin về sản phẩm cũng như giới thiệu người tiêu dùng đến mua sắm tại gần 200 cửa hàng trên toàn quốc.
Hồi tháng 9-2024, Tupperware Brands (Mỹ) nộp đơn xin phá sản sau thời gian dài kinh doanh không hiệu quả vì nhu cầu giảm và nợ tăng. Cổ phiếu tập đoàn này được niêm yết trên sàn chứng khoán New York năm 1996 và từng đạt đỉnh vào cuối năm 2013.
Đây cũng là năm hãng ghi nhận mức doanh thu bán hàng lịch sử với khoảng 2,67 tỉ USD, trong đó khoảng 1/3 đến từ khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Theo Reuters, chiến lược bán hàng lỗi thời và sự cạnh tranh trên thị trường đã dẫn đến sự sụp đổ của Tupperware.
Theo hồ sơ phá sản của công ty, người tiêu dùng hiện thích mua hàng tại cửa hàng hoặc trực tuyến và chỉ một phần nhỏ mua thông qua mô hình bán hàng trực tiếp.
Tuy nhiên vào năm 2023, khoảng 90% doanh số của Tupperware vẫn từ bán hàng trực tiếp.
Tháng 10 vừa qua, Tupperware Brands đã bán doanh nghiệp mình cho một nhóm chủ nợ với giá 23,5 triệu USD tiền mặt và hơn 63 triệu USD tiền xóa nợ. Giao dịch này đã được tòa án chấp thuận.
Theo ông Trần Bằng Việt, chuyên gia tư vấn cấp cao – CEO Đông A Solutions, 5 nguyên nhân thất bại có thể chỉ ra của Tupperware bao gồm không theo kịp xu hướng tiêu dùng và thay đổi trong sở thích, chậm trễ trong việc chuyển đổi sang thương mại điện tử, mất kết nối với nhóm khách hàng trẻ, khủng hoảng kinh tế và cắt giảm chi tiêu sau đại dịch và sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ mới.