Đây là dấu hiệu cho thấy, biến đổi khí hậu có thể khiến mùa hè năm nay vượt kỷ lục năm 2023 và trở thành mùa hè nóng nhất trong 2.000 năm, theo Reuters.
Nắng nóng những ngày gần đây có thể là nguyên nhân dẫn đến hàng trăm, thậm chí hàng nghìn cái chết khắp châu Á và châu Âu.
Ở Saudi Arabia, trong số gần hai triệu người hành hương dịp lễ Hajj ở thánh địa Mecca trong tuần này đã có hàng trăm người tử vong do nhiệt độ lên đến trên 51 độ C.
Các nguồn tin về y tế và an ninh từ Ai Cập thông báo, ít nhất 530 người Ai Cập đã tử vong trong khi tham gia lễ hành hương.
Các quốc gia khắp Địa Trung Hải cũng trải qua một tuần nắng nóng kỷ lục, dẫn đến các đợt cháy rừng ở Bồ Đào Nha, Hy Lạp và dọc bờ biển phía bắc của châu Phi ở Algeria, theo báo cáo của Cơ quan quản lý đại dương và khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA).
Ở Serbia, các nhà khí tượng dự đoán rằng, nhiệt độ sẽ rơi vào khoảng 40 độ C do gió từ vùng Bắc Phi đem đến một đợt nắng nóng mới khắp vùng Balkan.
Dịch vụ cấp cứu của thủ đô Belgrade thông báo, các bác sĩ ở thành phố này đã điều trị 109 ca bệnh liên quan đến tim mạch và các bệnh mãn tính.
Năm nay, ở châu Âu, một lượng lớn du khách tử vong và mất tích giữa nắng nóng. Thi thể một du khách Mỹ 55 tuổi được tìm thấy trên bờ biển của đảo Mathraki thuộc Hy Lạp. Đây là vụ thứ 3 trong tuần.
Một vùng rộng lớn ở phía đông nước Mỹ cũng đang chịu nắng nóng trong ngày thứ tư liên tiếp dưới “vòm nhiệt”. Hiện tượng này xảy ra khi hệ thống áp suất cao mạnh giam giữ khí nóng trên một khu vực, ngăn không cho khí lạnh xâm nhập và dẫn đến nhiệt độ ở mặt đất duy trì ở mức cao.
Thành phố New York cũng mở các trung tâm làm mát khẩn cấp ở các thư viện, viện dưỡng lão và các cơ sở khác. Tuy các trường học trong thành phố vẫn mở cửa bình thường, một số trường ở các quận xung quanh khu vực ngoại ô thì cho học sinh về nhà để tránh nhiệt.
Các chuyên gia khí tượng cũng đưa ra báo cáo về nhiệt độ lên quá cao ở các vùng thuộc bang Arizona, bao gồm Phoenix vào ngày 20.6, khi nhiệt độ lên đến trên 45,5 độ C. Gần 100 triệu người Mỹ được cảnh báo về nhiệt độ cao vào ngày 20.6.
Mùa hè ở Ấn Độ kéo dài từ tháng 3 đến tháng 5, khi các đợt gió mùa dần lan khắp đất nước và phá tan nắng nóng. Tuy nhiên, ngày 19.6, thủ đô New Delhi ghi nhận đêm nóng nhất trong ít nhất 55 năm vừa qua, với nhiệt độ lên đến 35,2 độ C vào 1 giờ sáng.
Như vậy, New Delhi đã ghi nhận 38 ngày liên tiếp nhiệt độ lên đến đỉnh điểm ở ngưỡng 40 độ C hoặc cao hơn từ ngày 14.5.
Một quan chức của Bộ Y tế Ấn Độ cho biết, có hơn 40.000 ca bệnh nghi có liên quan đến sốc nhiệt và ít nhất 110 trường hợp tử vong được xác nhận do sốc nhiệt trong khoảng thời gian từ ngày 1.3 đến ngày 18.6.
Tổ chức Khí tượng thế giới cho rằng, khả năng 1 trong 5 năm tiếp theo sẽ vượt 2023 để trở thành năm nóng nhất được ghi nhận từ trước đến nay là 86%.