Giúp phát triển kinh tế địa phương tại An Giang
Chiều 30-6, tại Diễn đàn chuyển đối số cho sản phẩm OCOP và du lịch địa phương, HDBank cùng Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang đã ký kết ghi nhớ hợp tác nhằm tăng cường hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp trên địa bàn, phát triển kinh tế địa phương, đặc biệt là các chủ thể tham gia chương quốc gia OCOP.
Với việc ký kết Ghi nhớ hợp tác với Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang, HDBank cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan ban ngành địa phương và các đơn vị đồng hành đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt là các chủ thể tham gia chương trình OCOP tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi và các giải pháp tài chính hiệu quả từ ngân hàng.
Tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh An Giang đã có trên 71 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên.
Các cơ quan ban ngành tỉnh An Giang đã và đang chú trọng tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ các chủ thể tham gia OCOP về nguồn lực và cơ chế chính sách để đầu tư mở rộng sản xuất, quy mô, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Đồng thời, tập trung hỗ trợ các chủ thể xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, kênh phân phối sản phẩm… góp phần phát triển các sản phẩm OCOP theo hướng bền vững.
Điểm đến đầu tiên để tái khởi động hành trình Đồng hành cùng OCOP năm 2024
An Giang cũng là điểm đến đầu tiên để tái khởi động hành trình Đồng hành cùng OCOP năm 2024 của HDBank, qua hợp tác với Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp và Tiktok Việt Nam.
Từ trong năm 2023, HDBank đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ toàn diện cho các chủ thể tham gia Chương trình OCOP, góp phần thúc đẩy tiêu thụ nông đặc sản Việt hiệu quả trên nền tảng số.
Doanh số bán hàng của “Chợ Phiên OCOP” livestream trên Tiktok có trợ giá của HDBank năm qua đã đạt hàng tỉ đồng. Năm 2024, hành trình này sẽ tiếp tục được thúc đẩy với nhiều giải pháp thiết thực và hiệu quả hơn nữa cho từng địa phương trên cả nước.
Từ điểm đầu tiên tại An Giang, hành trình Đồng hành cùng OCOP năm 2024 của HDBank, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp và Tiktok đã chính thức khởi động với nhiều hoạt động mới, hấp dẫn và thu hút trong thời gian tới.
Dự kiến, sau tỉnh An Giang, “Chợ phiên OCOP” sẽ đến với các tỉnh thành như Sơn La, Quảng Bình, Quảng Ngãi và Thái Bình.
Gần 35 năm hoạt động, HDBank là ngân hàng thương mại tiên phong và có thế mạnh trong phát triển tín dụng xanh.
Ngân hàng cũng tài trợ các chuỗi giá trị, đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn với nhiều chương trình, nhiều sản phẩm đặc thù và chuyên biệt cùng nhiều chương trình ưu đãi liên tục được triển khai cho các doanh nghiệp ở từng địa phương.
Tăng cường kết nối số
Tăng cường kết nối số, HDBank đã phát triển hệ thống website dịch vụ tài chính gắn với đặc thù của từng địa phương tại 63 tỉnh, thành, giúp khách hàng ở từng địa phương dễ dàng kết nối, giải quyết nhu cầu tài chính và giao dịch mọi lúc, mọi nơi.
Đồng thời, ngân hàng đã phát triển ứng dụng chuyên biệt App HDBank Nông thôn với nhiều tính năng, tiện ích ưu việt dành riêng cho khách hàng khu vực nông nghiệp và nông thôn trên cả nước.
“Mỗi xã một sản phẩm” (One Commune One Product – OCOP) là chương trình quốc gia về phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực (trí tuệ, sự sáng tạo, lao động, nguyên liệu và văn hóa địa phương…).
Từ đó gia tăng giá trị sản phẩm và nâng cao thu nhập người dân tại các địa phương, được triển khai trên toàn quốc từ năm 2018.
Cộng hưởng đa nguồn lực từ Chính phủ, cơ quan ban ngành và các đơn vị đồng hành, Chương trình OCOP đã ngày càng đi vào chiều sâu. Từ đó tạo chỗ đứng ngày càng vững chắc cho các sản phẩm, góp phần giúp các nghề, làng nghề truyền thống có sản phẩm phong phú trên thị trường.
Qua đó tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động mà còn góp phần gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đóng góp quan trọng vào xây dựng nông thôn mới của địa phương.