Phần lớn doanh thu của các công ty chứng khoán đến từ mảng tự doanh. Trong đó, trái phiếu chiếm một phần không nhỏ, đặc biệt với các công ty đầu ngành khi tham gia vào cả hoạt động tư vấn, bảo lãnh phát hành.
Theo số liệu cập nhật từ mùa báo cáo tài chính quý II, Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) đã bất ngờ leo lên vị trí số một về nắm giữ trái phiếu. Theo đó, công ty này hiện sở hữu tổng cộng 13.460 tỉ đồng các loại trái phiếu, tăng mạnh 86% so với thời điểm đầu năm nay. Từ đó đưa tỉ lệ nắm giữ trái phiếu trên tổng tài sản từ 28% tăng vọt lên gần 39%.
Tuy nhiên, xét về quy mô đem tài sản đầu tư vào trái phiếu thì Chứng khoán VPBank (VPBankS) lại dẫn đầu với tỉ lệ lên tới 53%, trong khi thời điểm đầu năm là gần 45%. Tổng lượng trái phiếu mà VPBankS đang nắm giữ là 10.081 tỉ đồng, tăng 39% sau 6 tháng đầu năm.
Với VNDIRECT, công ty chứng khoán này đã thu hẹp lượng trái phiếu xuống 10.242 tỉ đồng, giảm 2,5%. Tương tự với Chứng khoán SSI khi cũng bán ra tới 25% lượng trái phiếu xuống còn 9.618 tỉ đồng. Cơ cấu trái phiếu/tổng tài sản giảm từ 25% xuống 19%.
Chứng khoán VPS là trường hợp thu hút sự chú ý khi tăng nắm giữ tới 1.660 tỉ đồng trái phiếu, trong khi đầu năm chỉ vỏn vẹn hơn 21 tỉ đồng. Cơ cấu tài sản FVPTL vẫn ghi nhận phần lớn là công cụ thị trường tiền tệ.
Theo VIS Rating, trong số 252.000 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn vào năm 2023, có 113.000 tỉ đồng, tương đương 45% có nguy cơ không đáp ứng được các nghĩa vụ thanh toán. Điều này sẽ kéo theo rủi ro đối với chất lượng tài sản của các định chế tài chính gồm ngân hàng và công ty chứng khoán có xu hướng gia tăng.
Ngoài rủi ro trực tiếp về tài sản, công ty chứng khoán còn phải đối mặt với việc nhà đầu tư cá nhân yêu cầu mua lại trái phiếu doanh nghiệp mà mình đã phân phối. Tiêu biểu là vụ việc Chứng khoán VNDIRECT đã phải dành lượng lớn tiền mua số trái phiếu Trung Nam mà nhà đầu tư đã bán ra ồ ạt. Đến nỗi bà Phạm Minh Hương – Tổng Giám đốc VNDIRECT – phải thừa nhận áp lực là có khi công ty đang mất lượng lớn vốn vào khoản đầu tư này.