Những lo ngại trong “hệ sinh thái” của ông Nguyễn Tử Quảng
Công ty Cổ phần BKAV (BKAV CORPORATION) được biết đến là công ty công nghệ hoạt động trong các lĩnh vực phần mềm máy tính, an ninh mạng, thiết bị điện tử thông minh, sản xuất smartphone…
Theo thông tin đăng ký doanh nghiệp, BKAV CORPORATION được thành lập vào tháng 4.2003, trụ sở chính tại phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội. Ông Nguyễn Tử Quảng là người đại diện pháp luật, kiêm Tổng Giám đốc.
BKAV có số vốn điều lệ ban đầu là 10 tỉ đồng, đến tháng 6.2021, BKAV tăng mạnh vốn điều lệ lên 100,06 tỉ đồng. Dù vậy, thông tin chi tiết về cổ đông không được doanh nghiệp công bố.
Công ty Cổ phần Điện tử BHS (BHS ELECTRONICS JSC) cũng có số vốn điều lệ ban đầu 10 tỉ đồng. Trong đó, ông Nguyễn Tử Quảng góp 9,8 tỉ đồng, tương đương tỉ lệ sở hữu 98%; còn lại ông Trần Việt Hải và ông Nguyễn Quốc Đăng mỗi người sở hữu 1%. Tuy nhiên, đến cuối tháng 3.2023, BHS bất ngờ giảm vốn điều lệ xuống còn 1 tỉ đồng. Tỉ hệ sở hữu và cơ cấu cổ đông không thay đổi.
BHS ELECTRONICS JSC được thành lập vào ngày 2.2.2022, đăng ký trụ sở chính tại phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội do ông Nguyễn Tử Quảng là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc, đồng thời là người đại diện pháp luật.
Ngoài 2 doanh nghiệp trên, ông Nguyễn Tử Quảng còn là người đại diện pháp luật kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phần mềm diệt virus BKAV (BKAV PRO). BKAV PRO được thành lập vào ngày 12.3.2018, trụ sở chính tại phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội.
Ban đầu, BKAV PRO có vốn điều lệ 50 tỉ đồng, sau đó tháng 8.2018, công ty tăng vốn lên 100 tỉ đồng, đến tháng 6.2020, BKAV PRO tiếp tục tăng vốn lên 120 tỉ đồng.
Cơ cấu cổ đông sáng lập BKAV PRO tại ngày 13.8.2018 ghi nhận, BKAV CORPORATION góp 96 tỉ đồng, tương đương tỉ lệ sở hữu 96% giá trị cổ phần; ông Vũ Ngọc Sơn và bà Lại Thu Hằng mỗi người sở hữu 2% còn lại.
Có thể nói, BKAV CORPORATION là doanh nghiệp “hạt nhân” trong “hệ sinh thái” của ông Nguyễn Tử Quảng. Tuy nhiên, cả 3 công ty do vị CEO này đứng tên đại diện pháp luật kiêm các chức vụ Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc đang bộc lộ nhiều vấn đề đáng lo ngại như nợ lương người lao động, chậm đóng bảo hiểm xã hội như Lao Động đã thông tin trước đó.
BKAV “sa sút” ra sao?
Như Báo Lao Động đã đưa tin, Công ty Cổ phần BKAV, BKAV PRO và Công ty Cổ phần Điện tử BHS của ông Nguyễn Tử Quảng đang vướng “lùm xùm” nợ lương, chậm đóng bảo hiểm xã hội khiến người lao động bức xúc. Trong đó, BKAV bị bảo hiểm xã hội “bêu tên” chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp với số tiền hơn 326 triệu đồng; BKAV PRO chậm đóng hơn 241 triệu đồng.
Đáng chú ý nhất, mới đây, đã có 3 người lao động từng làm việc tại Công ty BHS gửi đơn khởi kiện đến Tòa án Nhân dân quận Cầu Giấy, TP Hà Nội về việc bị công ty này nợ lương người lao động.
Về tình hình tài chính và hoạt động kinh doanh, theo công bố thông tin định kỳ về tình hình tài chính của BKAV PRO được công bố hồi tháng 9.2023, 6 tháng đầu năm 2023, BKAV PRO chỉ lãi 4,4 tỉ đồng, giảm 74% so với cùng kỳ năm 2022.
Số liệu cho thấy, tình hình kinh doanh của BKAV PRO đang trên đà tụt dốc. Năm 2022, lợi nhuận của công ty này đạt 40,4 tỉ đồng, ghi nhận mức giảm hơn 59% so với con số 99,2 tỉ đồng năm 2021.
Ghi nhận tại thời điểm 6 tháng đầu năm 2023, vốn chủ sở hữu của BKAV PRO đạt gần 207 tỉ đồng, giảm 18,5% so với cùng kỳ năm trước. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu tăng từ 1,38 lần lên 1,52 lần vào cuối quý II/2023. Hệ số dư nợ trái phiếu trên vốn chủ sở hữu tăng từ 67% lên 82%.
Theo thông tin trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, BKAV PRO có khoản nợ trái phiếu 170 tỉ đồng với mức lãi suất thả nổi, không thấp hơn 10,5%/năm. Khoản vay này được thế chấp bằng 5.443.000 cổ phần của Công ty BKAV tại BKAV PRO và 4.900.000 cổ phần của ông Nguyễn Tử Quảng tại Công ty BKAV.
BKAV PRO cũng cho biết, tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) giảm 6,7% xuống 2,1% vào cuối quý II vừa qua. Đáng chú ý hơn là tỉ lệ này từng đạt mức 36% của năm 2021, sau đó giảm xuống 20% đối với năm 2022.