Sau những bài đăng gây xôn xao của Hoàng Thùy, siêu mẫu Thanh Hằng đã gửi đơn đến Sở Thông tin và Truyền thông và cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Bình Thạnh (TPHCM), vì tài khoản Facebook của Hoàng Thùy đăng thông tin “sai sự thật” về cô.
Trước đó, Hoàng Thùy đăng nhiều bài đăng về việc “bị chèn ép trong nghề”, dùng cụm từ như “Chị chị em em”, “Mỹ nhân kế”. Ngày 16.7, Hoàng Thùy đăng ảnh chụp một tin nhắn nội dung “Thanh Hang doesn’t want” (Thanh Hằng không muốn) ý chỉ chính Thanh Hằng đã khiến Hoàng Thùy không được ngồi vào vị trí giám khảo ở Miss Universe Vietnam 2024.
Trong đơn thư tố cáo, người mẫu Thanh Hằng viết: “Hành động này của bà Thùy không còn bóng gió, mà trực tiếp nhắc đến tên tôi, nhằm điều hướng dư luận công kích, vu khống tôi là người gây ra sự việc khiến bà không được làm thành viên ban giám khảo chương trình”.
Thanh Hằng cho rằng các cụm từ “Chị chị em em”, “Mỹ nhân kế” là nhắm vào cô, bởi đây là tên hai phim nổi tiếng cô đóng vai chính.
Trao đổi với Lao Động, ThS Lê Đình Quyết – Giảng viên ĐH Luật Hà Nội, Cố vấn cấp cao Công ty Luật LVI Law Firm – cho biết, để đưa ra đánh giá chính xác về việc những hành động của Hoàng Thùy có cấu thành hành vi “xúc phạm danh dự, nhân phẩm” hay không, cần phải xem xét thêm thông tin chi tiết về nội dung của những bài đăng, các tình tiết liên quan.
“Theo khoa học hình sự, một hành vi phải được xem xét ở nhiều khía cạnh. Về mặt khách quan, hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác có thể thể hiện bằng lời nói hoặc hành động nhằm hạ thấp nhân cách, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.
Về mặt chủ quan, người thực hiện hành vi có lỗi cố ý khi biết rõ hành vi của mình xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác nhưng vẫn thực hiện hành vi phạm tội để hạ thấp danh dự, nhân phẩm người khác”, ông Lê Đình Quyết nhận định.
ThS Lê Đình Quyết nhận định, trong vụ mâu thuẫn của Hoàng Thùy và Thanh Hằng, trường hợp hành vi của Hoàng Thùy chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, người sử dụng mạng xã hội để vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác sẽ xử bị phạt hành chính theo quy định tại điểm g, khoản 3 điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng.
Trường hợp hành vi xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người khác thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, theo tội danh tương ứng như: Tội làm nhục người khác quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015 tới hoặc Tội vu khống quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Ngoài ra, người có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác có thể phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm theo quy định tại Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015.
Trong đơn tố cáo, Thanh Hằng khẳng định cô bị nhiều thành phần quá khích tấn công trên mạng, tràn vào tẩy chay các nhãn hàng do cô làm đại diện. “Hành vi này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc, danh dự của tôi. Cùng đó, gia đình, người thân của tôi cũng phải chịu tác động bởi những bình luận tiêu cực”, Thanh Hằng nói.