Đó là trăn trở và suy nghĩ của nữ doanh nhân Lê Dung – Tổng Giám đốc Công ty CP đào tạo và phát triển nhân lực Dgroup – người luôn trăn trở về sự học của các doanh nhân.
“Chúng tôi cũng quản lý trực tiếp hoặc tham gia tư vấn, cố vấn cho hàng trăm tổ chức, từ tập đoàn lớn đến doanh nghiệp nhỏ và vừa” – CEO Lê Dung nói. “Tôi đã có một phát hiện khá lý thú, đồng thời cũng khá là đau lòng… Khá nhiều những công ty Việt Nam, lúc còn nhỏ thì lớn nhanh, nhưng khi đã lớn rồi thì dậm chân tại chỗ, thậm chí thụt lùi, hoặc thua lỗ, phá sản. Có nhiều nguyên nhân, nhưng một trong những nguyên nhân chính là thái độ học hỏi, tiếp thu của người lãnh đạo đứng đầu.
Lúc doanh nghiệp còn nhỏ, những ngưởi chủ này thường rất chịu học. Họ khiêm tốn học hỏi và chịu nghe lời những người có kinh nghiệm hơn. Nhưng khi công ty bắt đầu lớn mạnh, hệ thống bắt đầu cồng kềnh, các yêu cầu quản lý chuyên nghiệp càng cao hơn, thì niềm kiêu hãnh của những vị chủ tịch, CEO, những ông/bà chủ lớn lại ngăn họ đi học. Họ cảm thấy bị “mất giá”, “xuống cấp” nếu bị phát hiện đang ngồi học trong một lớp quản lý nào đó. Vì vậy, phần lớn các vị này chỉ cử cấp dưới đi học, còn mình thì không. Vì không chịu học nên không tiếp thu được bản chất, công dụng của những phương pháp, công cụ, hệ thống quản lý mới…”.
Mỗi khi cấp dưới mang thứ gì đó học được về triển khai áp dụng tại công ty thì các vị hoặc không tin, hoặc không biết đánh giá thế nào nên cản trở, không cho áp dụng. Một vài vị cho áp dụng, nhưng cũng chẳng mấy quan tâm. Kết quả là, một quy trình hay hệ thống nào đó được cấp dưới triển khai, chính người chủ lại là người vi phạm hoặc phá vỡ nhiều nhất. Mà một khi chủ vi phạm, hoặc chẳng quan tâm, thì những người khác, nhất là những người cũ cũng chẳng việc gì phải quan tâm. Thế là các hệ thống, phương pháp, công cụ mới nhanh chóng đi vào quên lãng.
Nghịch lý này là có thật và việc đó dẫn đến những trì trệ, chậm chạp hay sai lầm trong quản lý ở những công ty lớn của Việt Nam cũng là có thật. Mà cũng chẳng có gì khó tin, một quy trình quản lý chiến lược, nếu người lãnh đạo cao nhất không hiểu, không tuân thủ thì nguy cơ cả tập đoàn, công ty đi sai đường, dẫn đến thua lỗ, phá sản là chuyện hết sức bình thường.
Điều hành một doanh nghiệp quy mô nhỏ, vượt qua giai đoạn khó khăn khởi nghiệp không có nghĩa là bản thân nắm đủ mọi thứ cho doanh nghiệp phát triển lớn hơn.
CEO Lê Dung cho biết: “Mọi thứ thay đổi rất nhanh. Những cái gì hôm nay là đúng thì ngày mai có thể không còn đúng nữa. Khi người khác đưa ra những thứ mình chưa từng nghe, thì đừng vội đánh giá đó là “lý thuyết” và bịt tai lại nói “tôi vẫn làm theo cách cũ từ trước tới giờ có sao đâu, bây giờ chỉ cần thêm người, thêm vốn thì mở rộng được chứ gì”. Nếu cứ giữ tư duy kiểu đó thì chính bản thân mình không thể ứng dụng được cái mới để thay đổi chính bản thân mình cũng như phát triển doanh nghiệp.
Trong bài toán đổi mới sáng tạo, lối suy nghĩ “tôi có kinh nghiệm 20-30 năm làm việc” chính là rào cản. Kinh nghiệm để khởi nghiệp, kinh nghiệm để lèo lái con tàu đó là những cái đã trong “quá khứ” nó không có nhiều giá trị khi nói đến sự sáng tạo, sự đổi mới – cái mà CEO phải làm là luôn cầu thị và học hỏi không ngừng”.