Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) phối hợp UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức Hội nghị khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam lần thứ 14 năm 2024 tại UBND TP Phú Quốc chiều 10-10.
Cục Công Thương địa phương cho biết 9 tháng năm 2024, tổng kế hoạch kinh phí khuyến công được duyệt 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam là hơn 91,3 tỉ đồng, giảm khoảng 8% so với kế hoạch năm 2023; hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia hội chợ triển lãm, xúc tiến quảng bá, kết nối tiêu thụ, góp phần cho sự phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp địa phương.
Tuy nhiên công tác xây dựng kế hoạch, thẩm định cấp cơ sở và chất lượng đề án địa phương chưa mạnh dạn xây dựng đề án điểm có quy mô; tiến độ phân bổ ngân sách còn chậm, làm ảnh hưởng đến chính sách hỗ trợ cho các cơ sở công nghiệp nông thôn.
Bà Nguyễn Thanh Hà – phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương – cho rằng chính sách khuyến công trong thời gian qua là cú hích giúp cho cơ sở công nghiệp nông thôn phát triển, sản phẩm địa phương có mặt trên thị trường.
UBND tỉnh Bình Dương thời gian qua ban hành chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa để đào tạo nghề, duy trì bảo tồn làng nghề truyền thống; kết nối tìm nguyên liệu, xúc tiến quảng bá, cải tiến máy móc thiết bị để nâng cao sản xuất, giá trị sản phẩm địa phương.
“Chúng tôi mong rằng chính sách khuyến công của ngành công thương xem xét hỗ trợ thêm cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, làng nghề đặc thù có thêm điều kiện, di dời máy móc, thiết bị sản xuất, duy trì phát triển ổn định”, bà Hà kiến nghị.
Ông Ngô Quang Trung – cục trưởng Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) – đề nghi địa phương, đơn vị liên quan tập trung việc hoàn thành nhiệm vụ khuyến công năm 2024, chuẩn bị kế hoạch khuyến công năm 2025.
Địa phương cần nghiên cứu đẩy mạnh khuyến công có trọng tâm, trọng điểm và theo chuỗi ngành hàng gắn liền chuyển đổi số giúp cơ sở công nghiệp nông thôn phát triển ổn định bền vững.