5 hãng mỹ phẩm nội địa Trung gặt hái hơn 660 tỉ đồng trên sàn thương mại điện tử Việt
Theo thông tin từ hãng dữ liệu YouNet ECI vừa công bố, 5 thương hiệu mỹ phẩm nội địa Trung Quốc đã gặt hái tổng cộng tới 26 triệu USD, tương đương hơn 660 tỉ đồng trên bốn sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam. Đó là các sản phẩm bán trên sàn Shopee, Lazada, TikTok Shop và Tiki, chỉ trong vòng một năm (từ tháng 9-2023 đến tháng 8-2024). Tốc độ tăng trưởng càng lúc càng cao.
Cụ thể, top 5 thương hiệu mỹ phẩm nội địa Trung được khách Việt săn đón, chốt đơn ầm ầm trên kênh online bao gồm: Focallure, Colorkey, Judydoll, Perfect Diary và Zeesea.
Các nhãn hàng này bán son môi, phấn mắt, kem nền, phấn phủ, mascara, bảng phấn mắt, chì kẻ mày, mặt nạ dưỡng da mặt…
Công cụ lắng nghe mạng xã hội của YouNet Media cũng cho biết xuất hiện gần 600.000 thảo luận, hơn 21 triệu lượt tương tác liên quan đến top 5 thương hiệu mỹ phẩm nội địa Trung kể trên, trong khoảng thời gian từ tháng 1-2023 đến tháng 8-2024.
Các cuộc thảo luận trên chủ yếu được tạo ra bởi người dùng trong độ tuổi 18-34. Đáng chú ý, có hơn 50% người tham gia thảo luận về các dòng mỹ phẩm nội địa Trung là Gen Z.
Để khai thác thị trường Việt Nam, đánh mạnh vào giới trẻ, nhiều hãng mỹ phẩm Trung Quốc đã mạnh tay chi tiền cho hàng loạt người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội quảng cáo, livestream bán hàng như: Võ Hà Linh, Hằng Du Mục, Phạm Thoại, Call Me Duy (Vũ Duy)…
Chính những lời quảng cáo tốt đẹp trên mạng, kèm mức giá hấp dẫn, thời gian vận chuyển nhanh đã góp phần khiến các bạn trẻ Việt tin tưởng, chi tiền mua.
Từ đó giúp nhiều thương hiệu mỹ phẩm Trung được nâng cao vị thế, không phải chọn cách “đội lốt” hay tránh né xuất xứ như trước kia.
Mỹ phẩm Việt tiếp cận khách trẻ qua giá trị truyền thống
Đối với hàng Việt, trong mảng chăm sóc cá nhân, chỉ có thương hiệu Cocoon (mỹ phẩm 100% thuần chay từ thực vật Việt Nam) nổi bật hẳn, khi kết nối thành công với Gen Z thông qua các nỗ lực tiếp thị.
Cocoon kinh doanh các dòng sản phẩm mang tính bản địa, tạo dựng lòng tin với giới trẻ như: nước dưỡng tóc tinh dầu bưởi, tẩy da chết môi bằng cà phê Đắk Lắk, bơ dưỡng thể Đắk Lắk, tẩy da chết bằng đường thốt nốt An Giang, gel tắm bí đao, sữa rửa mặt nghệ Hưng Yên…
Thương hiệu Việt này cũng thuê những người có tầm ảnh hưởng phù hợp với lối sống và sở thích của Gen Z để quảng bá sản phẩm, thay vì tốn quá nhiều tiền với những người nổi tiếng như ca sĩ, diễn viên…
Trong quá trình làm việc với các thương hiệu hàng đầu, bà Mai Cẩm Linh – giám đốc kinh doanh YouNet Media – cho biết đã tận mắt chứng kiến tốc độ thay đổi nhanh chóng, giữa bối cảnh kinh doanh trực tuyến khiến các doanh nghiệp phải vật lộn để theo kịp.
Mặc dù phát triển cùng thương mại điện tử là mong muốn chung của các thương hiệu, nhưng vẫn chưa có định hướng rõ ràng và toàn diện.
Đối với bạn trẻ Gen Z, các quyết định “chốt đơn” thường bị ảnh hưởng bởi xu hướng trên mạng xã hội. Ngoài ra còn bị thu hút bởi khuyến mãi.
Tại Việt Nam, các bạn trẻ này đang mua sắm trực tuyến trung bình 1-3 lần mỗi tuần, giá trị đơn hàng dao động 100.000 – 500.000 đồng/lần. Sản phẩm chủ yếu thuộc nhóm thời trang, sắc đẹp và chăm sóc cá nhân.
Theo dữ liệu từ YouNet ECI, ước tính tới năm 2028 giá trị trung bình giỏ hàng của Gen Z cho ba ngành hàng thời trang, sắc đẹp và chăm sóc cá nhân đạt 28,8 USD/giỏ hàng (khoảng 730.000 đồng).
Tổng chi tiêu của thế hệ trẻ này trên sàn thương mại điện tử sẽ tăng từ 4 tỉ USD năm 2023 lên 20,3 tỉ USD vào năm 2028.
Nhằm tiếp cận hiệu quả nhóm khách hàng trẻ, chuyên gia khuyến nghị các doanh nghiệp nên hợp tác với người có tầm ảnh hưởng để tổ chức các buổi livestream tương tác trực tuyến, tung ưu đãi độc quyền nhằm tạo trải nghiệm hấp dẫn.
Đồng thời hợp tác các micro-influencers (có tầm ảnh hưởng trên mạng, sở hữu từ 10.000 – 100.000 người theo dõi) có lối sống phù hợp, giúp kết nối Gen Z tốt hơn.