Bộ trưởng Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ Alparslan Bayraktar cho biết, ngày 8.5, công ty khí đốt nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ Botas đã ký thỏa thuận với tập đoàn ExxonMobil của Mỹ về việc cung cấp khí tự nhiên hóa lỏng (LNG).
Theo trang BNE Intellinews, thỏa thuận này đặt ra câu hỏi liệu Ankara có giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt Nga trong những năm tới hay không.
Bộ trưởng Năng lượng Alparslan Bayraktar viết trên mạng xã hội X: “Mỹ là một trong những nhà cung cấp LNG quan trọng của chúng tôi”.
Ông Bayraktar không cung cấp bất kỳ chi tiết nào khác về thỏa thuận nhưng nói thêm: “Với thỏa thuận được lên kế hoạch lâu dài này, chúng tôi sẽ thực hiện một bước nữa để đa dạng hóa nguồn lực của mình”.
Vào cuối tháng 4, ông Bayraktar nói với tờ Financial Times rằng Thổ Nhĩ Kỳ muốn xây dựng một “danh mục cung ứng mới” giúp nước này ít phụ thuộc hơn vào bất kỳ đối tác nào.
Ông hé lộ, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có được tới 2,5 triệu tấn LNG/năm sau khi ký kết thỏa thuận 10 năm với ExxonMobil. 2,5 triệu tấn LNG/năm sẽ đáp ứng khoảng 7% lượng tiêu thụ khí đốt của Thổ Nhĩ Kỳ.
Với mức giá hiện tại, ước tính Ankara sẽ phải trả hơn 1 tỉ USD/năm cho công ty Mỹ.
Thổ Nhĩ Kỳ có rất ít dầu khí. Nước này phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu từ Nga, Azerbaijan và Iran, cũng như nhập khẩu LNG từ Algeria, Qatar, Mỹ, Nigeria và Oman.
Mặc dù thiếu nguồn tài nguyên hydrocarbon, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ có kế hoạch thành lập một trung tâm năng lượng. Các dòng dầu và khí đốt đến trung tâm này sau đó sẽ được bán sang châu Âu và các thị trường xuất khẩu tiềm năng khác.
Tuy nhiên, một số quốc gia khách hàng tiềm năng đã bày tỏ lo ngại rằng trung tâm này có thể được sử dụng để che đậy các dòng dầu khí của Nga hiện bị cấm vào thị trường của họ do các lệnh trừng phạt liên quan đến xung đột Ukraina.
Một số thỏa thuận dài hạn của Thổ Nhĩ Kỳ với Nga về khí đốt sẽ hết hạn vào năm 2025.
Hơn 40% lượng khí đốt nhập khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ đến từ Nga vào năm 2023, phần lớn được vận chuyển qua đường ống.
Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên NATO, nhưng Ankara và Mátxcơva vẫn duy trì mối quan hệ kinh tế và thương mại mạnh mẽ, trong đó Nga cũng là nhà cung cấp dầu hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ.
Năm 2022, Mỹ cung cấp 10% lượng khí đốt nhập khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi năm 2023, Thổ Nhĩ Kỳ tham gia thị trường giao ngay và nhập khẩu 5 triệu tấn LNG từ Mỹ.
ExxonMobil đang tăng cường danh mục đầu tư LNG của mình, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường cơ sở hạ tầng để nhập khẩu và lưu trữ LNG. Theo hãng truyền thông thương mại dầu khí NewsBase, mối quan hệ hợp tác giữa hai bên không chỉ có ý nghĩa mà còn trở nên gần như không thể tránh khỏi.
ExxonMobil đã đặt mục tiêu tăng công suất sản xuất lên 40 triệu tấn/năm vào cuối thập kỷ này, gấp đôi so với mức năm 2020. Trong khi đó, việc mở rộng cơ sở hạ tầng LNG của Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến lượng khí đốt nhập khẩu LNG tăng lên 30% vào năm 2023 so với 15% vào năm 2014.
Thổ Nhĩ Kỳ có thể nhận khí đốt thông qua 7 đường ống dẫn khí quốc tế, trong khi nước này có 5 cơ sở LNG, bao gồm 3 cơ sở lưu trữ và tái hóa khí nổi (FSRU) cùng 2 cơ sở lưu trữ khí đốt dưới lòng đất.
Bộ trưởng Năng lượng Bayraktar cho biết ông đã đến thủ đô Washington D.C để tham dự nhiều cuộc đàm phán khác nhau.
Ông Bayraktar nói thêm: “Chúng tôi nằm trong số ít quốc gia trên thế giới có khả năng khí hóa. Chúng tôi sẽ tiếp tục đóng góp vào an ninh cung cấp năng lượng của cả đất nước và khu vực”.