Một đợt bùng phát bệnh bạch hầu đã xảy ra ở Ấn Độ vào tháng 6.2024. The Hindu thông tin, chính quyền Odisha, Ấn Độ đã chỉ đạo Cơ quan Y tế và Trung tâm Nghiên cứu Y tế Khu vực (RMRC) điều tra nguyên nhân nghi ngờ bùng phát bệnh bạch hầu ở làng Manuspadar thuộc quận Rayagada của bang Odisha.
Có 5 trẻ em chết tại làng này trong vòng 13 ngày của tháng 6. RMRC xác nhận trường hợp tử vong thứ 5 là do bệnh bạch hầu. Chính quyền bang Odisha cho hay, 4 ca bệnh đầu tiên không được đưa đến cơ sở y tế và cũng không có nhân viên y tế nào được thông tin, với các thi thể được hỏa táng tại địa phương. Theo chính quyền, 4 ca bệnh này cũng bị nghi là mắc bệnh bạch hầu. Có 9 người khác, chủ yếu là trẻ em, được xác định liên quan tới căn bệnh này.
Làng Manuspadar rất khó tiếp cận, phải đi bộ 5 km và băng qua suối để đến được làng này.
Giới chức địa phương đã cử nhân viên y tế tới tận làng để điều tra, sàng lọc và điều trị tận nhà. Tất cả người có nguy cơ mắc bệnh trong làng đã được tiêm một liều kháng sinh dự phòng.
Theo thông tin trên website của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tháng 4 năm nay, Cơ quan An toàn Thực phẩm và Sức khỏe Bavaria ở Đức và Trung tâm Bệnh bạch hầu đã được chỉ định là trung tâm hợp tác của WHO (WHO CC). Với tư cách này, cơ quan đóng vai trò là trung tâm tham khảo toàn cầu, góp phần nâng cao hiểu biết, kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh.
“Chúng tôi tự hào về tiềm năng mà sự hợp tác này mang lại cho công việc của chúng tôi, đặc biệt là trong chẩn đoán trong phòng thí nghiệm, xác nhận đặc tính của bệnh bạch hầu và mầm bệnh” – Tiến sĩ Mark Muscat, người phụ trách về bệnh bạch hầu ở khu vực châu Âu của WHO, giải thích.
Cùng với WHO CC về bệnh bạch hầu có trụ sở tại Vương quốc Anh, WHO CC ở Đức sẽ hỗ trợ cho những công việc của WHO liên quan đến bệnh bạch hầu trên quy mô toàn cầu.
Theo WHO, bệnh bạch hầu được xem là kẻ thù gần như đã bị lãng quên. Bệnh bạch hầu từng là một trong những bệnh truyền nhiễm đáng sợ nhất. Tác hại nghiêm trọng nhất của vi khuẩn gây bệnh bạch hầu là sản sinh ra chất độc gây tổn thương tim và dây thần kinh.
Ngày nay, bệnh bạch hầu hô hấp vẫn có tỉ lệ tử vong từ 5-10% ngay cả khi được điều trị. Cách hiệu quả duy nhất để kiểm soát bệnh bạch hầu là tiêm chủng bắt đầu từ khi còn nhỏ, với loạt 3 liều cơ bản, sau đó là các liều nhắc lại.
Theo website của WHO, nhờ tỉ lệ tiêm chủng cao và bền vững trên toàn khu vực châu Âu, tỉ lệ mắc bệnh bạch hầu đã giảm đáng kể trong những thập kỷ qua và căn bệnh này hiếm gặp ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, vẫn có những khoảng trống dai dẳng về tiêm chủng, dẫn tới tích tụ những người dễ mắc bệnh, tạo cơ hội cho bệnh bạch hầu tái phát lây lan.
Mặc dù tỉ lệ mắc bệnh bạch hầu nhìn chung đã giảm trong những thập kỷ gần đây nhưng vẫn có hơn 68.000 ca mắc bệnh bạch hầu được báo cáo trên toàn cầu từ năm 2018-2022. Cùng với đó, năng lực và chuyên môn để chẩn đoán bệnh bạch hầu ở các quốc gia đã giảm sút, đặc biệt là ở những nơi bệnh đã hiếm gặp.