Trước đây, mỗi khi thu hoạch lúa xong, ông Phạm Thanh Quan – nông dân tại quận Ô Môn (TP Cần Thơ) – thường tranh thủ đốt đồng, cải tạo đất để chuẩn bị cho vụ mới.
“Do không có nhu cầu sử dụng nên thu hoạch lúa xong, bà con nông dân chúng tôi thường rải rơm ra khắp ruộng đốt để tiêu diệt các mầm bệnh và dịch hại, đồng thời tạo phân hữu cho ruộng lúa. Đây là cách làm truyền thống từ nhiều năm trước”, ông Quan cho biết.
Tuy nhiên, hơn 6 năm trở lại đây, được chính quyền địa phương khuyến cáo, chỉ ra nhiều lợi ích của rơm rạ nên ông Quan đã biết tận dụng để kiếm thêm thu nhập bằng việc bán cho thương lái.
“Thu hoạch cùng đợt nên sau mỗi vụ, bà con chúng tôi thường thuê máy thu gom rơm để tiết kiệm chi phí. Có máy móc nên công việc thu gom rất nhanh và dễ dàng. Trung bình mỗi công (1 công = 1.000m2) thu được từ 13 – 15 cuộn, tôi bán tại ruộng với giá hơn 20.000 đồng/cuộn. Còn những chủ ruộng không có nhu cầu lấy rơm sẽ bán lại với giá từ 120.000 – 160.000 đồng/công”, ông Quan chia sẻ.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Mai – nông dân tại huyện Thới Lai (TP Cần Thơ) cũng không còn đốt đồng sau mỗi vụ thu hoạch. Theo bà, đốt đồng khá nguy hiểm, trong khi hiệu quả kinh tế lại không bằng việc bán hay phục vụ sản xuất.
“Lúc trước, thu hoạch xong, hầu như bà con ai cũng đốt đồng. Mỗi lần như thế là khói bay mù mịt. Nhưng nhiều năm nay, thương lái có nhu cầu thu mua nên các hộ nông dân chúng tôi cũng không còn đốt nữa mà chuyển sang bán. Tùy thời điểm, giá rơm có thể dao động từ từ 20.000 – 25.000 đồng/cuộn. Trong khi tiền thuê nhân công, máy móc cuốn rơm dao động từ 6.000 – 8.000 đồng/cuộn. Trừ chi phí, tôi vẫn còn lãi khá”, bà Mai nói.
Ngoài bán, bà Mai cũng chừa lại một số trồng nấm với thu nhập khá ổn định. Nông dân này nhẩm tính, nếu thuận lợi, 1 cuộn rơm sẽ cho được 1,5 – 2 kg nấm. Bình quân sử dụng một công rơm để trồng nấm, nông dân này có thể thu lợi nhuận khoảng 700.000 đồng/vụ lúa. Riêng thời điểm nấm được giá, mức lợi nhuận có thể lên đến cả triệu đồng.
Trong khi đó, thay vì bán, ông Nguyễn Văn Tuấn – nông dân tại tỉnh An Giang – đều dùng toàn bộ số rơm thu được sau mỗi vụ để phục vụ công việc sản xuất của gia đình: “Ngoài lúa, tôi còn trồng rau màu nên số rơm thu hoạch hầu như đều được giữ lại. Chủ yếu tôi dùng rơm rải lên bề mặt, làm phân cho rau cũng như giữ ẩm cho đất, tránh việc các chất dinh dưỡng bị nước tưới và nước mưa làm trôi đi. Nhờ đó, năng suất rau tăng khoảng 20% so với lúc không sử dụng rơm”.
Ông Tuấn nói thêm, thấy nhu cầu bán rơm của nông dân ngày càng nhiều, ông và một số hộ có điều kiện trong khu vực còn đầu tư cả máy cuốn rơm để làm dịch vụ. Ông Tuấn cho biết, nếu trời nắng ráo, máy của ông có thể thu gom và ép thành cuộn được 5 công rơm (khoảng 45 – 70 cuộn rơm)/giờ. Với giá cuốn rơm là 8.000 đồng/cuộn, trung bình mỗi công nông dân này thu về 80.000 đồng.