Đó là chia sẻ của PGS.TS Lê Quang Thông – trưởng khoa chăn nuôi thú y Trường đại học Nông Lâm TP.HCM, chủ tịch Chi hội Thú y – thú nhỏ Việt Nam (VSAVA) – tại sự kiện “Ngày hội thú cưng” (Super Pet Fest) ngày 19-10.
Theo ông Thông, năm 2023, bất chấp kinh tế khó khăn, ngành công nghiệp thú cưng tại Việt Nam vẫn ngược dòng, tăng trưởng 35%. “Dự kiến trong 5 năm tới, tốc độ tăng trưởng sẽ tiếp tục duy trì ở mức hai con số”, ông Thông cho biết.
Tuy nhiên, ông Thông cũng lưu ý để khai thác tiềm năng thị trường, các đơn vị cung cấp dịch vụ như thức ăn, đồ chơi, và đặc biệt là thú y cần trang bị thêm kiến thức, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, phục vụ yêu cầu của chủ nuôi, đảm bảo sự phát triển bền vững toàn ngành.
Tương tự, bà Đỗ Thị Mộng Thơ, phó chủ tịch VSAVA, nhận định: “Trước đây chó mèo chỉ được xem như công cụ trông nhà, bắt chuột. Nhưng những năm gần đây, ngày càng nhiều người đã xem chúng như thành viên trong gia đình, là người bạn tri kỷ, giúp giảm căng thẳng trong cuộc sống, công việc”.
Theo bà Thơ, cùng với sự phát triển của đời sống và thu nhập, nhiều người chủ không ngần ngại chi mạnh tay cho chó mèo, sẵn sàng nuông chiều “con cưng” bằng thức ăn cao cấp, đồ chơi, đến chăm sóc sức khỏe, làm đẹp, mong muốn mang đến điều kiện tốt nhất cho thú cưng.
Đánh giá tiềm năng của ngành công nghiệp này, bà Jane Luxner, tùy viên nông nghiệp, Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.HCM, cũng đồng tình nói: “Ở Việt Nam cũng như tại Hoa Kỳ, thú cưng đang ngày càng được đánh giá cao. Ngành thức ăn và chăm sóc thú cưng tại Việt Nam còn tiềm năng dư địa phát triển rất lớn nữa”.