Hoạt động của doanh nghiệp trở nên sôi động, đóng góp vào nền kinh tế
Hoạt động trong ngành sơn, Công ty Cổ phần Bewin & Coating Việt Nam ít nhiều bị ảnh hưởng trong những tháng khó khăn của thị trường bất động sản và xây dựng. Tận dụng bối cảnh chung bước đầu hồi phục, thông qua việc đổi tên sản phẩm, chuyển hướng sang các mặt hàng xanh, thân thiện với môi trường hơn, doanh số bán hàng 5 tháng đầu năm của doanh nghiệp này đã cải thiện đáng kể, tăng 20%.
Ông Nguyễn Quốc Quyền – Phó Tổng Giám đốc CTCP Bewin & Coating Việt Nam – chia sẻ: “Theo quan điểm của tôi khi nền kinh tế hồi phục sẽ có rất nhiều ngành hàng đi trước như tiêu dùng, sức khỏe, du lịch… có cơ hội. Ngành vật liệu xây dựng và xây dựng có biến chuyển chậm hơn nhưng hết quý III năm nay có thể sẽ hồi phục mạnh mẽ và đón chờ cơ hội trong năm 2025”.
Theo Tổng cục Thống kê, ngành sản xuất công nghiệp phục hồi tốt khi tính riêng tháng 5 tăng 3,9% so với tháng 4 và tăng 8,9% so với cùng kỳ. Tính chung 5 tháng tăng 6,8%, trong đó ngành chế biến chế tạo tăng 7,3%. Một số địa phương tăng cao như Phú Thọ tăng 31,2%; Bắc Giang 24,9%; Bình Phước 14,8%… Khu vực dịch vụ tiếp tục tăng mạnh, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 tăng 9,5%; 5 tháng tăng 8,7%.
TS Vũ Tú Anh – Giám đốc Trung tâm thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương – cho biết, nếu nhìn vào con số thu nội địa của doanh nghiệp tăng lên nhanh chóng trong khi đang thực hiện giảm thuế VAT. Điều này cho thấy hoạt động của doanh nghiệp đang sôi động hơn và thực sự có sự đóng góp vào nền kinh tế.
Ông Vũ Duy Khánh – Giám đốc phân tích, Công ty Chứng khoán Smart Invest – đánh giá, trong 5 tháng đầu năm, cả doanh thu bán lẻ và chỉ số sản xuất công nghiệp đang cho thấy sự phục hồi tích cực. Xuất nhập khẩu đã trở lại nhịp độ tăng trưởng hai con số, mặt bằng giá xuống thấp đã góp phần đưa trở lại mức cao điểm của năm 2022.
Đồng quan điểm, ông Trần Đức Anh – Giám đốc Kinh tế Vĩ mô và Chiến lược thị trường, cùng đội ngũ phân tích Công ty Chứng khoán KB Việt Nam – cho rằng, số liệu vĩ mô tháng 5 cho thấy nền kinh tế vẫn đang phục hồi tích cực dù với mức độ khá khiêm tốn.
“CPI tháng 5 tăng 0,05% so với tháng trước, chủ yếu do giá thịt lợn tăng do thiếu hụt nguồn cung sau đợt dịch tả lợn châu Phi, giá điện sinh hoạt tăng khi thời tiết nắng nóng. So với cùng kỳ, CPI tăng 4,44%, bình quân 5 tháng đạt 4,03%, vẫn được kiểm soát dưới mức mục tiêu” – chuyên gia dẫn các số liệu.
Tiếp tục các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Kinh tế phục hồi còn thể hiện ở con số doanh nghiệp trở lại hoạt động tương đối tích cực. Trong 5 tháng có 98.800 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 4,1% so với cùng kỳ, cao hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (97.300 doanh nghiệp). Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước có nhiều nỗ lực, hoạt động có khởi sắc như Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Điện lực, Tổng Công ty Đường sắt, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam.
Để tháo gỡ khó khăn, phát triển kinh tế đi kèm với kiểm soát tốt lạm phát và các mục tiêu khác, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, Chính phủ đã có chỉ đạo các giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy tích cực tập trung vào 3 hướng.
Thứ nhất là tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là về thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp gia nhập thị trường, kinh doanh thuận lợi. Thứ hai là cải thiện yếu tố đầu vào, đặc biệt là hỗ trợ thông qua chính sách tài khóa, tiền tệ (tiếp tục duy trì và bảo đảm tính chất ổn định, hỗ trợ cho doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận tín dụng). Thứ ba là liên quan đến thị trường xuất khẩu của nước ta, thúc đẩy các giải pháp để các doanh nghiệp sớm có đơn hàng mới tăng thêm để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.