KOL Diệp Lê được vinh danh là người có tầm ảnh hưởng khu vực châu Á trong mảng livestream bán hàng trên nền tảng thương mại điện tử – Asia Power Live Commerce. Doanh số trung bình đạt một triệu đô (USD) cho mỗi phiên livestream.
Sau hội thảo “Tiếp sức hàng Việt trên sàn thương mại điện tử” do báo Tuổi Trẻ và Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam phối hợp tổ chức, KOL này chia sẻ câu chuyện hậu trường đằng sau các phiên bán hàng.
Nỗ lực thoát khỏi chuỗi ngày tăm tối, lan tỏa năng lượng tích cực
Những tưởng con đường sự nghiệp trên nền tảng thương mại điện tử tràn ngập màu hồng, nhưng Diệp Lê cho biết không hoàn toàn như vậy, một mảng màu khác cũng được mở ra, thực tế hơn. Lần đầu tiên cô trải lòng về việc từng bị trầm cảm.
Đó là khoảng thời gian dài cô đóng cửa ở trong phòng, không nói chuyện được với ai. Tự vấn: “Liệu mình có phù hợp?”, “Mình theo đuổi công việc này để làm gì, ngoài có tiền?”… Mãi cho đến khi cô nghiệm ra bản chất, tìm được định hướng, mới thoát khỏi ngày tháng tăm tối.
“Mỗi người có một nhiệm vụ trong cuộc sống. Mình tạo ra câu chuyện qua video, hình ảnh… và được hàng ngàn, hàng triệu người đón nhận, truyền cảm hứng, năng lượng tích cực. Kết nối khách hàng với sản phẩm tốt, đặc biệt hàng Việt. Tạo nên giá trị kinh tế cho doanh nghiệp”, cô tâm sự.
Đồng thời, Diệp Lê cũng nhắc nhở rằng bản thân không phải bước chân vào con đường này bằng tay trắng, có quyền cân đối sức khỏe tinh thần và tài chính. Trước đó cô đã có nguồn thu nhập khá tốt từ chuỗi 12 cửa hàng về tái sử dụng thời trang cũ, do mình sáng lập (hiện đã chuyển nhượng cổ phần, nhận chi phí hằng năm về chủ sở hữu thương hiệu).
Đối với một số va vấp trên phiên livestream, cô xem đó là bài học, phải tự kỷ luật, tự rèn khả năng, sắp xếp lời nói, suy nghĩ tốt hơn. Dặn mình: “Nếu những áp lực trong nghề này không vượt qua được, làm sang nghề khác cũng không thể vượt qua”.
“Có nhiều bạn cũng giống như Diệp. Không phải nghệ sĩ được đào tạo bài bản, không có chuyên môn trong lĩnh vực giải trí. Nên lúc đầu không biết xuất hiện trước công chúng với hình tượng ra sao, nên nói gì. Chỉ có cách duy nhất là nghiêm túc, tự bổ sung kiến thức”, cô bày tỏ.
Ưu tiên làm với doanh nghiệp tạo công ăn việc làm cho người Việt
Để phát triển công việc làm tiếp thị liên kết trên nền tảng thương mại điện tử, điều quan trọng là phải bảo vệ người tiêu dùng, giữ vững uy tín, tiếng nói của bản thân trước cộng đồng.
Đối với hàng Việt, theo Diệp Lê, cần ưu tiên chọn có nguồn gốc và xuất xứ rõ ràng, tránh các trường hợp hàng dỏm hoặc không an toàn. “Không hiểu sao có người biết chỗ mình ở, mang mấy thùng kem trộn tới tận cửa, mình từ chối”, cô cho hay.
Với hàng ngoại, KOL này cho rằng vấn đề kiểm soát chất lượng cần được quan tâm hơn. Nên kết hợp những công ty có văn phòng tại Việt Nam, khi người tiêu dùng cần hỗ trợ, doanh nghiệp sẽ nhanh chóng giải quyết hơn, chịu trách nhiệm. Ưu tiên doanh nghiệp có đầu tư vào Việt Nam, tạo công ăn việc làm cho người Việt, giúp nền kinh tế nước nhà phát triển.
Có thể hình dung, để có một phiên livestream chất lượng, phải trải qua khâu quan trọng như chọn lọc hàng hóa của đơn vị uy tín, có đăng ký giấy tờ với cơ quan chức năng. Nhiều trường hợp cần tới nhà máy, kho xưởng để xem thực tế. Hàng ngoại phải nhập khẩu chính ngạch, có tem rõ ràng và được phân phối bởi nhà bán chính hãng.
“Người kinh doanh phải hiểu thị trường, dây chuyền từ nhà sản xuất cho tới tay người mua. Lát cắt bộ chuyển đổi làm sao ra được hàng, tương tác để cùng tạo đơn hàng tốt cho khách hàng, chứ không chỉ chăm chăm về lợi ích của mình”, Diệp Lê nhìn nhận.
“Bật mí” khâu chuẩn bị và thu nhập khi livestream
Đối với một phiên livestream quy mô nhỏ, Diệp Lê và một số nhân sự chuẩn bị trong ba tuần. Phiên lớn, cần tới hai tháng chuẩn bị và khoảng 20 nhân sự tham gia.
Về thu nhập, với phiên nhỏ, cứ doanh thu một tỉ, người bán nhận hoa hồng 150 triệu đồng. Trừ chi phí trang phục, trang điểm, trang trí không gian bán hàng, thiết bị quay chụp, lương nhân viên… thì còn lại khoảng 50 triệu đồng.
Vì vậy, cần cân đối chi phí, biết mình đang ở đâu, tệp khách thế nào. Ví dụ, ở phiên livestream gần nhất, dầu gội và sữa tắm… đã bán được hàng chục ngàn chai, thì các phiên tiếp theo chỉ nhận bán vài trăm chai. Sau 2-3 tháng, khả năng cao khách đã dùng hết, mới bán tiếp số lượng lớn. Dù biết rằng nếu đánh liều, hên thì có thể đạt “trái ngọt lớn”, nhưng cô chọn “trái vừa đủ cho đội ngũ”.
“Phải có kế hoạch phù hợp. Để mặc cho hên xui may rủi thì làm sao các nhân sự có công việc bền vững. Việc nào cũng có rủi ro, nhưng tính ổn định phần nhiều cũng do mình quyết định, chiến lược rõ ràng, biết mình hiểu người”, cô nói.
Trong phiên livestream quy mô lớn diễn ra gần nhất trên sàn Shopee, bên cạnh chào bán sản phẩm của nhãn hàng quốc tế Samsung, Panasonic, Bosch, Shiseido… Diệp Lê còn thành công bán hàng của thương hiệu Việt, nổi bật như: đồ nhựa Duy Tân, mũ bảo hiểm Nón Sơn, chăn ga À Ơi Concept, mỹ phẩm Lemonade, giày dép Erosska…
Về lời khuyên cho doanh nghiệp và tiểu thương khi kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử, KOL Diệp Lê cho biết bên cạnh phát huy thế mạnh chất lượng sản phẩm, cũng cần nâng cao khâu truyền tải thông tin, kết nối liền mạch giữa nhà sản xuất, người bán và người mua.