Trên các nền tảng mạng xã hội, cô gái thôn quê Huyền Phi đang được hàng triệu người theo dõi. Trở thành nhà bán hàng thành công qua kênh online, cô được mời tới đóng góp góc nhìn tại hội thảo Tiếp sức hàng Việt trên sàn thương mại điện tử do báo Tuổi Trẻ phối hợp Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) vừa tổ chức.
Từng ở nhà dột, phải bán cả nhẫn cưới
Hẹn gặp Huyền Phi ở một không gian thoáng đãng trong khách sạn lớn, cô gái trẻ xuất hiện với bộ đồ rất đỗi bình dị, ngồi kế bên là người chồng đồng hành từ thuở gian khó.
Lần mở ký ức tuổi thơ, cô trải lòng, bản thân xuất phát điểm từ gia đình nghèo, ở trong căn nhà cũ dột, lại không có nhà tắm và nhà vệ sinh. Nên kể cả khi trời mưa gió, cô và cha mẹ phải qua nhà ngoại dùng ké. “Đêm nằm suy nghĩ, mong muốn có căn nhà, lo cho cha mẹ sau này”, cô chia sẻ.
Lớn lên, những nỗ lực làm lụng chỉ đủ tiền sống qua ngày. Đại dịch COVID-19 ập đến, việc giới thiệu sản phẩm cho các cửa hàng tạp hóa bị ảnh hưởng trầm trọng. Cô và chồng chuyển sang bán nước ép trái cây giao tận nhà. “Không có vốn để mua máy ép, đành phải bán nhẫn cưới”, Huyền Phi nhớ lại.
Cũng trong thời gian đó, cô chập chững bước vào không gian mạng: “Mình thấy mấy anh chị ở miền Tây quay video. Sẵn đà cũng rất thích đi ruộng, thích nấu ăn, nên cũng quay theo luôn”.
Từ lẻ tẻ người xem, đến nay cô sở hữu rất nhiều video thu hút 3-5 triệu lượt xem, hàng ngàn tương tác thả tim và bình luận sôi nổi. Cảm nhận rõ sự yêu mến, cô và chồng toàn tâm làm video về đời sống thôn quê. Rủ thêm cha mẹ, bà ngoại, họ hàng, cô chú trong xóm… quay cùng.
Để có thêm thu nhập, cô nhận làm tiếp thị liên kết, bán hàng cho nhiều doanh nghiệp Việt và quốc tế trên sàn thương mại điện tử, cũng như một số mặt hàng của gia đình. Nhằm tăng thu hút, thay vì giới thiệu một cách cứng nhắc, cô tạo video kết hợp câu chuyện mua sắm và giải trí, lồng ghép sản phẩm.
Đối với các phiên livestream (phát trực tuyến) quy mô lớn, cô mời thêm một số người có sức hút trên mạng để vào hỗ trợ cùng. Đến các phiên bán hàng của bạn bè, anh chị này, cô giúp lại, cùng phát triển.
Cố gắng được đền đáp, gia đình nhỏ của Huyền Phi gặt hái được thu nhập cao hơn, trang trải cuộc sống tốt hơn, sửa lại nhà cửa. “Thành công vượt trội so với mong muốn của bản thân trước đây. Có khả năng lo cho gia đình”, cô gái trẻ bày tỏ.
Hỗ trợ phát triển nông sản địa phương
Trên kênh của mình, dừa sáp là một trong những nông sản nổi bật được Huyền Phi chào bán. “Đặc sản quê hương Trà Vinh. Lúc trước giới thiệu trên mạng, có người còn không biết đó là dừa gì. Bây giờ nhiều người yêu thích, đặt mua”, cô cho hay.
Trong mỗi phiên livestream, cô bán được từ 500 – 2.000 trái dừa sáp. Giúp nhiều nhà vườn không bị tồn đọng hàng, lời cao, không bị ép giá. Bên cạnh đó, cô cũng bán pate, mứt chùm ruột…
Đối với việc làm tiếp thị liên kết, Huyền Phi cho biết ưu tiên thương hiệu có uy tín trên thị trường, giấy tờ kinh doanh hợp pháp. Đồng thời phù hợp định hướng nội dung. “Kênh thể hiện một cô gái miền Tây hay nấu ăn, nên quảng cáo các mặt hàng liên quan. Còn mỹ phẩm, thực phẩm chức năng… phải có chuyên môn sâu, mình không rành, không nhận”.
Để kiểm soát chất lượng: “Không phải gửi lời mời là mình đồng ý. Phải xem xét, không phù hợp thì từ chối, không tiếc. Trên nền tảng online nhiều người xem, theo dõi, nếu mình không có chuyên môn mà làm đại, sẽ không bền”.
Xuất thân từ thôn quê dân dã, nuôi dưỡng trong mình tình yêu mến với người nông dân, thời gian qua Huyền Phi đã hỗ trợ nhiều người dân và doanh nghiệp tại Cà Mau, Trà Vinh, An Giang, Đồng Tháp, TP.HCM, Gia Lai, Lâm Đồng, Bắc Giang… biết cách đưa hàng hóa, nông sản lên kinh doanh trên sàn thương mại điện tử. Đẩy mạnh hàng OCOP – chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, phát triển kinh tế nông thôn Việt Nam.
Không dám nhận mình nổi tiếng, vui vì đã làm gia đình tự hào
Được nhiều khán giả yêu mến, gầy dựng danh tiếng trong giới bán hàng qua nền tảng thương mại điện tử, nhưng Huyền Phi tâm sự: “Trước kia từng cảm thấy rất có lỗi, hoài nghi bản thân”. Vì nhận bán cho các nhãn hàng nhưng không đủ doanh số đặt ra, không biết cách giữ chân khách. “Rất buồn, không dám nhận nhãn hàng nào”, chồng cô ngồi kế bên tiếp lời vợ.
Sau đó hai vợ chồng học hỏi, trau dồi. Từ bập bẹ chuyển sang thành thạo hơn. Nhận ra môi trường này dễ bị đào thải nên “luôn nhắc nhủ phải học hỏi hơn nữa, nạp vào mới theo lâu dài được”.
Khi hỏi về sự nổi tiếng của mình trên mạng, Huyền Phi thật thà: “Không dám nhận nổi tiếng. Chỉ là mình tốt hơn phiên bản trước kia, gia đình tự hào hơn”.
Hình ảnh Huyền Phi hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp bán nông sản Việt trên sàn thương mại điện tử: