Làm 355km metro trong 10 năm: TP.HCM trao nhiều quyền tự quyết, bảo vệ cán bộ cho Ban Chỉ đạo

UBND TP.HCM vừa có tờ trình gửi Ban Thường vụ Đảng ủy UBND TP xem xét, thông qua trình Thành ủy TP ban hành quyết định về việc thành lập Ban Chỉ đạo phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị (metro) TP.HCM.

Về sự cần thiết thành lập Ban Chỉ đạo, theo UBND TP, kết luận của Bộ Chính trị và nghị quyết số 188 của Quốc hội yêu cầu tiến độ và chất lượng triển khai phát triển, hoàn thành mạng lưới đường sắt đô thị TP.HCM rất cấp bách.

Khối lượng công việc thời gian tới là rất lớn, phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực cần sự tập trung, quan tâm chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của cả hệ thống chính trị TP để triển khai có hiệu quả các dự án. Do đó việc thành lập Ban Chỉ đạo là rất cần thiết.

Theo tờ trình, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên là trưởng Ban Chỉ đạo; Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được là phó trưởng ban thường trực. 

Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thanh Nghị, Phó bí thư Thành ủy TP.HCM, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ; Phó bí thư Thành ủy TP.HCM, chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM Nguyễn Phước Lộc là các phó trưởng Ban Chỉ đạo.

20 ủy viên Ban Chỉ đạo gồm lãnh đạo UBND TP, các lãnh đạo sở, ban ngành TP…

Về nhiệm vụ, quyền hạn, Ban Chỉ đạo sẽ chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết 188 một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị. Ban hành quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo.

Ban Chỉ đạo sẽ cho ý kiến, kết luận các nội dung quan trọng để định hướng, chỉ đạo UBND TP, sở ngành, quận huyện để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án đáp ứng yêu cầu. Đồng thời chỉ đạo giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án đường sắt đô thị, dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD.

Ban Chỉ đạo sẽ quyết định các giải pháp để bảo vệ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, đem lại giá trị, hiệu quả thiết thực, đóng góp tích cực trong quá trình triển khai thực hiện các dự án metro. 

Quyết định hình thức khen thưởng, bố trí chức vụ cao hơn đối với các trường hợp lãnh đạo sở ngành, quận, huyện thuộc phạm vi quản lý hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Về cơ chế hoạt động, Sở Giao thông công chánh TP.HCM là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo; sử dụng bộ máy, nhân sự đang phụ trách để thực hiện nhiệm vụ được giao…

Chủ tịch UBND TP.HCM được quyết định thành lập các tổ giúp việc Ban Chỉ đạo; mời các tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học (trong nước và quốc tế) phản biện, nghiên cứu, đề xuất phương hướng, giải pháp, chính sách để triển khai các công việc liên quan.

Ban Chỉ đạo hoạt động theo nguyên tắc tập thể và trưởng Ban Chỉ đạo quyết định nội dung thực hiện…

Đọc tiếp

Về trang Chủ đề

ĐỨC PHÚ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *